Tại Việt Nam, CTCP Merufa (Mã CK: MRF) được biết đến là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất được bao cao su. Tiền thân là Xí nghiệp Cao su Y tế (thuộc Bộ Y tế) được xây dựng với sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc vào năm 1987. Ngay từ năm này, Merufa đã cung cấp cho thị trường sản phẩm bao cao su tránh thai chế tạo từ cao su thiên nhiên của Việt Nam với nhãn hiệu HAPPY.
Không chỉ bao cao su, Merufa còn là đơn vị tiên phong nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng y tế quan trọng khác như găng tay phẫu thuật, nút chai kháng sinh, chai chuyền dịch sản xuất từ cao su tổng hợp hay một số loại ống thông và ống Penrose.
Tuy vậy, trong những năm gần đây mảng kinh doanh truyền thống là bao cao su của Merufa đã gặp nhiều khó khăn khi bị cạnh tranh mạnh bởi các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như Durex hay Sagami…Điều này khiến dây chuyền sản xuất bao cao su của công ty thường hoạt động dưới công suất thiết kế. Merufa đặt kế hoạch phấn đấu trong 1-2 năm nữa sẽ đạt sản lượng trên 100 triệu bao cao su bán ra (dây chuyền công suất 120 triệu cái/năm).
Hiện nay, doanh thu của Merufa chủ yếu đến từ găng tay y tế, nút chai, ống y tế. Tuy nhiên, những sản phẩm này cũng đang gặp không ít cạnh tranh từ các sản phẩm của các nước Asean với giá bán thấp. Một số khách hàng tiêu biểu của công ty có thể kể tới như Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện truyền máu huyết học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện K…
Merufa có lợi thế là có thể trực tiếp sản xuất sản phẩm từ latex cao su ra thành phẩm, không phải là đơn vị gia công đóng gói bao cao su thành phẩm mua từ nước ngoài như các công ty khác ở Việt Nam và nhờ vậy đã đấu thầu thành công nhiều đơn hàng lớn với giá bỏ thầu thấp. Năm 2011, Merufa trúng gói thầu cung cấp 5,8 triệu bao cao su HAPPY và 318.000 gói gel bôi trơn (HAPPY GEL) cho Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS năm 2011 nhưng sau đó đã phải giải trình khi có những phản hồi không tốt về sản phẩm của công ty.
Chất lượng quản trị và công tác bán hàng cũng là điều mà các cổ đông luôn “kêu ca” tại mỗi cuộc họp. Tại ĐHCĐ thường niên 2015, cổ đông Sacombank đã dùng từ “đau xót” khi nhắc đến việc Merufa rớt gói thầu 9 triệu bao cao su do…viết sai tài liệu ISO.
Với tình hình thị trường khó khăn cũng như những biến cố liên tục xuất hiện, không bất ngờ khi kết quả hoạt động của Merufa những năm gần đây có chiều hướng đi xuống rõ nét. Doanh thu Merufa từ năm 2014 tới nay chưa khi nào quá 100 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng, ngoại trừ năm 2016 ngay trước thời điểm lên sàn Upcom, lợi nhuận Merufa tăng vọt lên hơn 32 tỷ đồng nhờ ghi nhận lợi nhuận bất thường từ thanh lý tài sản cố định.
Đến năm 2017, tình hình hoạt động của Merufa càng trở nên bi đát hơn khi doanh thu giảm 5% xuống còn 77 tỷ đồng. Không còn lợi nhuận bất thường, Merufa báo lỗ 4,3 tỷ đồng và đây cũng là lần đầu tiên công ty báo lỗ.
Hiện trong cơ cấu cổ đông Merufa, Tổng Công ty thiết bị Y tế Việt Nam (Vinamed) đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 16,16% cổ phần. Các cổ đông lớn khác của Merufa còn có Sacombank (6,59%), MBBank (6,06%), Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiết bị Y tế Minh Tâm (5,99%).
Kể từ khi lên sàn Upcom từ cuối năm 2017, cổ phiếu MRF có giao dịch rất hạn chế với thanh khoản chỉ vài trăm cổ phiếu mỗi phiên. Hiện tại, thị giá MRF đang ở mức 20.700 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường 76 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu MRF từ khi lên sàn tới nay