Dự kiến lãi tăng trưởng
Bước sang năm 2018, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản tỏ ra khá lạc quan với thị trường và đặt mục tiêu tăng trưởng lớn. Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) cho biết, năm 2018 lợi nhuận sẽ tăng trưởng đột biến so với 2017, có thể gấp hai đến ba lần so với mức 126 tỷ đồng lợi nhuận kế hoạch năm nay. Cơ sở để đột biến lợi nhuận là TDC tiếp tục mở bán khoảng 30% diện tích Khu dân cư TDC Hòa Lợi, có tổng diện tích khoảng 100 ha, quy hoạch thành 29 lô.
Trong khi đó lãnh đạo của Quốc Cường Gia Lai cũng đã chia sẻ, trừ năm 2017 doanh thu của công ty ước đạt 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 720 tỷ. Các năm tiếp theo mức lãi sẽ rất lớn, cụ thể, năm 2018 lợi nhuận trước thuế của công ty có thể cán mốc 2.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2019-2020 QCG cũng đặt mục tiêu 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Lợi nhuận liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, VPBank (VPB) tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2018 của riêng Ngân hàng mẹ tăng trưởng 68,4% lên 4.015 tỷ đồng, lãi ròng hợp nhất đạt 8.528 tỷ đồng, tăng trưởng 48,4%, cao hơn mức lợi nhuận tăng dự kiến trong năm nay. Trong khi đó Vincom Retail (VRE) bước sang năm 2018 cũng đã mạnh tay nâng kế hoạch doanh thu thuần lên con số hơn 8.000 tỷ đồng và lãi ròng trên 3.300 tỷ đồng, tăng đáng kể so với kế hoạch đề ra năm 2017.
Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đã đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng trong năm 2018 như Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) dự kiến lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng, tăng 50% so với kế hoạch năm 2017. An Phát – Yên Bái (HII) dự kiến doanh thu năm 2018 sẽ tăng lên 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng và đến năm 2021 doanh thu sẽ đạt 4.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 220 tỷ đồng. Vận tải Dầu khí (PVT) đã lên kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018 – 2020, với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lần lượt là 460 tỷ đồng, 498 tỷ đồng và 542 tỷ đồng.
Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX) đặt mục tiêu lãi trước thuế 145 tỷ đồng, tăng 21%; lãi ròng đạt 116 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với kế hoạch 2017. Năm 2018, Nhựa Tiền Phong (NTP) đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 8% ở mức 4.900 tỷ đồng với sản lượng đạt 97.000 tấn. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 465 tỷ, tăng trưởng 8%. Nam Việt (ANV) dự kiến năm 2018 Công ty có thể đạt được 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 30% so với 2017.
Đặt kế hoạch thận trọng
Ở chiều ngược lại một số doanh nghiệp dự kiến lãi giảm so với 2017 trong đó thực phẩm Sao Ta (FMC) đặt kế hoạch năm tài chính 2018 với doanh thu mục tiêu công ty đặt ra trong năm 2018 là 155 triệu USD, tăng 7% so với kết quả ước thực hiện năm trước nhưng LNST ước đạt 120 tỷ đồng, giảm 4%.
Bảo hiểm bưu điện (PTI) dự kiến lợi nhuận trước thuế 2017 đạt 180,6 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch năm 2017 và tăng trưởng 39% so với năm 2016. Nhưng năm 2018, công ty đặt kế hoạch 110,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2018, giảm sâu 24% so với ước thực hiện 2017.
Mía đường Sơn La (SLS) lên kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2017-2018, Công ty đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 798 tỷ, tăng 46% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế là 55,5 tỷ đồng, giảm mạnh 46% so với năm ngoái. Tỷ lệ cổ tức chỉ còn 30%.
Tương tự một doanh nghiệp đường khác là Đường Kon Tum (KTS) cũng lên kế hoạch kinh doanh năm 2017 – 2018 sụt giảm đáng kể khi tổng doanh thu 453,2 tỷ đồng, LNST 24,1 tỷ đồng; lần lượt giảm 54% và 43% so với kết quả thực hiện năm trước. Năm 2017 – 2018, Ban lãnh đạo KTS cũng khẳng định là giai đoạn hết sức khó khăn khi vùng nguyên liệu tại tỉnh nhà Kon Tum đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, sự cạnh tranh khốc liệt của các loại cây trồng khác và tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của cư dân địa phương.
Ông lớn của ngành đường là Mía đường Lam Sơn (LSS) cũng nhận định, thị trường ngành đường tiếp tục khó khăn khi lượng tồn kho tăng, giá bán giảm sâu, khách hàng có tâm lý chờ đợi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 1/1/2018 nên kế hoạch sản xuất – kinh doanh niên độ 2017 – 2018 dự kiến lợi nhuận trước thuế 125 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 1,5% so với niên độ trước.