Doanh nghiệp giấy đứng ngồi không yên

Cuối tháng 3, các doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thị trường giá mặt hàng mùa khai trường ở TP HCM gửi văn bản đến Sở Tài chính đăng ký điều chỉnh giá một số mặt hàng tập học sinh. Những DN không tham gia bình ổn thị trường mặt hàng này thì âm thầm tăng giá vì không cầm cự nổi trước sức “nóng” của giá giấy nguyên liệu.

Ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc điều hành Công ty CP Tập Việt (chuyên sản xuất văn phòng phẩm từ giấy), cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, giá giấy nguyên liệu đã tăng 30% kéo giá bán sản phẩm giấy văn phòng phẩm và giấy in tăng theo. “Có tháng cao điểm giá giấy đầu vào tăng 2-3 lần, tháng 4 chững lại nhưng cũng tăng 1 lần. Vì giá giấy nguyên liệu tăng liên tục nên công ty không dám ký hợp đồng giữ giá 3-6 tháng như thông lệ mà phải tính toán trên từng đơn hàng” – ông Trung cho biết.

Doanh nghiệp giấy đứng ngồi không yên - Ảnh 1.

Giá giấy nguyên liệu leo thang kéo giá sách báo, tập vở… tăng theo Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Chu Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH In bao bì Ngân Hà, phản ánh không chỉ nguồn giấy nhập từ Trung Quốc mà từ Thái Lan, Indonesia cũng tăng cao so với 3-4 tháng trước làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN. “Hợp đồng với khách hàng thường có hiệu lực 1 năm, muốn thương lượng lại giá phải chờ đến khi ký hợp đồng mới nên thời điểm này chúng tôi phải tìm cách tiết giảm chi phí” – ông Cường nói.

Số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho thấy trong vòng 1 năm, giá bột giấy trên thế giới đã tăng bình quân trên 42% và có chiều hướng tăng thêm. Tại Việt Nam hiện nay, hầu như không có DN sản xuất bột giấy thương phẩm công suất lớn, ngành bột giấy chỉ đáp ứng 21,8% công suất sản xuất giấy; số còn lại lấy từ nguồn bột giấy nhập khẩu, giấy loại thu gom nội địa và giấy loại nhập khẩu. Đầu tháng 5, giá giấy in báo dao động ở mức 17,5-18,5 triệu đồng/tấn, tăng 1,5-2,5 triệu đồng/tấn; giấy viết khoảng 32,5-24 triệu đồng/tấn, tăng 4-4,5 triệu đồng/tấn so với thời điểm tháng 12-2017.

Cũng theo VPPA, 4 tháng đầu năm, Việt Nam sản xuất hơn 1,18 triệu tấn giấy và nhập khẩu 465.000 tấn, tăng lần lượt 60% và 5% so với cùng kỳ 2017. Lượng giấy nhập khẩu chủ yếu là giấy làm bao bì cao cấp, giấy ăn, giấy hoa văn. Giá giấy nguyên liệu trong tháng 4 đã giảm nhẹ nhưng vẫn đang đứng ở mức cao và có khả năng gia tăng nên các DN sản xuất giấy văn hóa (sách báo, giấy viết, giấy photocopy) bị ảnh hưởng khá mạnh.

Các DN ngành giấy đang nhập phần lớn nguyên liệu từ Indonesia, Malaysia và một số nước châu Âu. Nhập khẩu bột giấy từ Trung Quốc chiếm tỉ lệ nhỏ. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng giấy nguyên liệu và thành phẩm của Trung Quốc rất lớn trong khi nước này đóng cửa hàng loạt nhà máy giấy khiến nguồn cung thiếu hụt dẫn đến biến động thị trường chung, đẩy giá giấy leo thang.

Tự chủ nguyên liệu sẽ hưởng lợi

Theo Công ty CP Tập đoàn Tân Mai, từ cuối 2012 tập đoàn này đã ngừng hoạt động các nhà máy sản xuất giấy và bột giấy để di dời nhà xưởng ra khỏi TP Biên Hòa theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Hiện hoạt động chủ yếu của Tân Mai là trồng rừng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng và khai thác tỉa thưa rừng trồng. Do vậy, giá bột giấy tăng mạnh thời gian qua không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty, có chăng chỉ phần nào tác động đến giá gỗ nguyên liệu giấy.

Giá bột giấy tăng mạnh đã tác động tích cực đến hiệu quả dự án Nhà máy Bột giấy Tân Mai Kon Tum (công suất 70.000 tấn bột BCTMP (hóa nhiệt cơ tẩy trắng)/năm. Công ty đang tận dụng mọi nguồn lực để đưa dự án này vào hoạt động trong quý I/2020. Trong điều kiện tự chủ được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào (hiện Tân Mai đang sở hữu hơn 10.000 ha rừng thông và gần 7.000 ha rừng keo lai) thì giá bột giấy tăng mạnh sẽ bảo đảm thị trường đầu ra của sản phẩm bột giấy và hiệu quả dự án.

‘Ông lớn’ giấy Việt chi ngàn tỉ quyết đấu giấy ngoại

Bài viết mới