Trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Tập đoàn Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Polestar – một doanh nghiệp chuyên vận chuyển dầu và khí đến từ Texas (Mỹ), thông qua người đại diện ở Việt Nam đã đặt vấn đề mua đến 49% cổ phần bán ra của BSR. Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn là đơn vị duy nhất vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất – nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, đại diện của Polestar, bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư vào BSR như một nhà đầu tư chiến lược. Đại diện của Polestar nói thêm bà và các lãnh đạo cấp trên của công ty đều rất ấn tượng trước con số 49% cổ phần bán ra của BSR.
“Hôm nay chúng tôi đến đây với tư cách tham gia là một nhà đầu tư chiến lược. Trong đợt về Việt Nam, mục tiêu của chúng tôi là chỉ giới thiệu cung cấp sản phẩm dầu thô nhưng khi được biết Bình Sơn đang có cổ phần hóa mà nhà đầu tư chiến lược tham dự được đến 49% thì tôi khoác ba lô đến Bình Sơn”, bà Phượng cho biết.
Bà cho biết thêm, ngày 23/01 – 31/01, Polestar sẽ về Bình Sơn để ký hợp đồng nguyên tắc và cung cấp dầu thô lâu dài cho BSR. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thanh Phượng cũng đặt ra các mục tiêu nếu được tham gia mua cổ phần của BSR như mở rộng nhà máy, kho chứa, hệ thống kho ngoại quan, thực hiện các thủ tục tạm nhập, tái xuất … Đặc biệt, bà cho biết sẽ tận dụng thế mạnh của Polestar là có nguồn dầu cung cấp ổn định lâu dài.
“Tôi rất mong và tha thiết đề nghị các quý vị giúp đỡ cho BSR và Tập đoàn của chúng tôi khi đầu tư vào BSR để lọc hóa dầu Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và thế giới”, bà Phượng nói.
Một nhà đầu tư tổ chức khác là Tập đoàn Vitol cũng cho biết sẽ tham gia việc mua cổ phần tại doanh nghiệp để tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam. Đại diện của Tập đoàn Dầu khí Macron, tập đoàn dầu khí có trụ sở tại Malta, cũng thiết tha mong muốn hợp tác đầu tư với Bình Sơn.
Vốn điều lệ hiện tại của Lọc hóa dầu Bình Sơn là 31.000 tỷ đồng. Theo đó, công ty Bình Sơn sẽ chào bán công khai 242 triệu cổ phần trị giá 7,79% vốn điều lệ trong đợt IPO. Cổ phần bán ưu đãi chào bán cho cán bộ công nhân viên tương đương 0,21% vốn điều lệ. Nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm giữ 49% vốn điều lệ (1.519 triệu cổ phần). Nhà nước tiếp tục nắm giữ 43% vốn điều lệ, tương đương với hơn 1.333 triệu cổ phần.
Giá khởi điểm chào bán là 14.600 đồng/cp. Tại mức giá này, trị giá ước tính của số tiền thu được từ IPO là 160 triệu USD. Giá mục tiêu là 14.822 – 16.260 đồng/cp.