Tính đến hết tháng 7/2017, tại Việt Nam đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư với tổng công suất nguồn lên tới hơn 17.000MW. Tính khả thi của các dự án được đánh giá là khá cao khi công nghệ sản xuất điện mặt trời ngày càng hiện đại, có khả năng hiện thực hóa các tiềm năng kỹ thuật thành tiềm năng kinh tế, thương mại.
Ông Đỗ Đức Tưởng – Cố vấn Năng lượng sạch thuộc Chương trình Năng lượng của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) kỳ vọng vào sự phát triển nhiều hơn 17.000MW điện mặt trời sau Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 6/2017.
Ông Đỗ Đức Tưởng – Cố vấn Năng lượng sạch thuộc Chương trình Năng lượng của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID).
PV:Ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực điện mặt trời?
Ông Đỗ Đức Tưởng: Hiện nay thế giới đã phát triển rất mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ mặc dù Việt Nam có tiềm năng rất lớn về tài nguyên mặt trời. Để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách, đơn cử tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này.
Đơn cử, việc miễn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm, thiết bị mà Việt Nam chưa sản xuất được. Với thuế thu nhập doanh nghiệp, trong 4 năm đầu tiên, doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực điện mặt trời đều được miễn thuế hoàn toàn. Trong thời gian tiếp theo, theo từng lộ trình nhất định, sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ban đầu là 50%, xuống 10% và 5%, chỉ đến giai đoạn cuối cùng doanh nghiệp mới phải trả đến 20%.
Kể từ khi có Quyết định 11 của Chính phủ, chúng tôi đã chứng kiến sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này, họ bắt đầu có xu hướng đổ vốn vào điện mặt trời. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Cho đến thời điểm này, tổng số các dự án đăng ký tại Việt Nam đã đạt được một con số khá ấn tượng, lên đến 17.000 MW.
PV:Mặc dù chúng ta đã có những chính sách ưu tiên cho năng lượng tái tạo từ lâu, song đến nay số nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời vẫn khá khiêm tốn. Theo ông nguyên nhân do đâu?
Ông Đỗ Đức Tưởng: Mặc dù chúng ta đã có cơ chế về giá nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác liên quan như cơ sở hạ tầng để truyền tải lưới điện. Tôi được biết, có những khu vực có rất nhiều dự án được đăng ký, nhưng máy biến áp của khu vực đó lại không đủ công suất để hấp thụ tất cả các nguồn điện từ các dự án điện mặt trời.
Thứ nữa là tại Việt Nam chính sách đưa ra nhưng quá trình triển khai ra sao còn phụ thuộc khá nhiều vấn đề, nhiều thủ tục như việc xin bổ sung quy hoạch dự án vào hệ thống, kế hoạch phát triển điện lực của địa phương cũng như của quốc gia.
Hay như vấn đề xin cấp đất, xin giấy phép đấu nối, thỏa thuận mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tất cả những vấn đề đó đều tác động đến nhà đầu tư về mặt chi phí tài chính cũng như thời gian, không loại trừ cả những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu trong quá trình thực hiện.
PV:Trong sơ đồ quy hoạch điện VII sửa đổi, Việt Nam đã quy hoạch khoảng 850MW điện mặt trời đến năm 2020. Theo ông con số này liệu đã hợp lý?
Ông Đỗ Đức Tưởng: Bản Quy hoạch điện VII sửa đổi còn rất thận trọng ở chỗ mới đưa ra quy hoạch là 850MW đến 2020 và đến năm 2030 mới là 12.000 MW trong khi đó tiềm năng điện mặt trời của chúng ta còn rất lớn, có thể lên đến trên 20.000 MW.
Vấn đề đặt ra là Chính phủ có coi con số 850 MW là mức trần hay không, hay Chính phủ chỉ đưa ra mục tiêu đó để khuyến khích? Theo như tôi được biết khi trao đổi, tiếp xúc với các nhà khoa học chuyên ngành, mức 850 MW không phải là mức trần mà Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ tất cả các dự án, kể cả khi chúng ta đã đạt được mức theo kế hoạch đề ra.
PV:Có ý kiến cho rằng, muốn phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ phải giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện đang quy hoạch.Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Đỗ Đức Tưởng: Trước đây trên thế giới, điện than và điện khí được ưu tiên hơn vì tính ổn định của chúng, điện gió, điện mặt trời chỉ phụ trợ. Nhưng bây giờ thì ngược lại, thế giới tập trung ưu tiên hoàn toàn cho phát triển năng lượng tái tạo, điện than, khí chỉ là để bù lại chỗ thiếu.
Việt Nam có 20.000 MW điện từ các hồ thủy điện và đây là nguồn điện mà chúng ta có sẵn, có lợi thế nhờ giàu tiềm năng thủy điện. Đó là lý do vì sao chúng tôi hoàn toàn tự tin cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp nhận nhiều nguồn năng lượng tái tạo thay vì chỉ tập trung vào nhiệt điện.
PV:Xin cảm ơn ông!./.