DN tốn 28,6 triệu ngày, 14.300 tỷ/năm để kiểm tra hàng hóa

Sáng nay, tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 11 bộ ngành kiểm tra các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao liên quan đến kiểm tra chuyên ngànhhàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, hàng hóa xuất nhập khẩu có kiểm tra chuyên ngành kiểm dịch thực vật chiếm 0,1%, kiểm dịch động vật chiếm 14,3%, kiểm tra hiệu suất năng lượng chiếm 25,3%, kiểm tra ATTP 19,1%, giấy phép xuất nhập khẩu và các yêu cầu tương đương 41,2%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

“Như vậy tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành đang giữ ở mức 30-35% và yêu cầu rút xuống còn 15%. Đây là việc chúng ta quyết tâm cắt gọn giấy phép, những kiểm tra chuyên ngành không cần thiết”, Bộ trưởng Dũng nói.

Hiện nay có 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

“Theo thống kê của CIEM (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ), 1 năm DN bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng để làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thủ tướng yêu cầu phải cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức liên quan đến DN”, ông nhấn mạnh.

Ra Bắc, vào Nam để kiểm định hàng hóa

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra tình trạng thủ tục còn chồng chéo, làm tăng chi phí cho DN. Hiện tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm 58%, trong đó 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại 3 lần.

Ông cũng lưu ý vẫn còn độc quyền trong đánh giá hàng hóa xuất nhập khẩu, có mặt hàng thuộc hàng hóa sản xuất của nhóm đầu thế giới nhưng VN vẫn kiểm tra. Kiểm tra thủ công là chính nhưng dùng để đánh giá các mặt hàng của các nhà sản xuất lớn. Vì vậy cần xem lại cách làm.

Đề cập đến hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra độc quyền của cơ quan giám định, kiểm định, chứng nhận, Bộ trưởng chỉ rõ, có những bộ chỉ giao cho 1 cơ quan kiểm định, giám định.

“Như vậy cả nước tập trung vào 1 cơ quan kiểm định, giám định. Từ đó cho thấy chi phí kiểm định rất lớn, hàng hóa phải vận chuyển từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc để kiểm định, giám định. Hàng hóa nhập khẩu thuộc kiểm tra, giám định như vậy tạo độc quyền không cần thiết”, Bộ trưởng nói.

Chính việc kiểm tra chuyên ngành theo cách thủ công, kết nối thông tin còn hạn chế, chưa áp dụng quản lý rủi ro nên dẫn đến tình trạng kiểm tra nhiều, phát hiện chẳng bao nhiêu, chỉ 0,1%, rất thấp.

Còn 5.917 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ tại các cửa khẩu, Thủ tướng yêu cầu rà soát cắt giảm.

Có lô hàng kẹt 3-4 tháng vì chờ kiểm tra

Có những việc yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; có những việc công nhận từ cơ sở sản xuất; có những việc thấy thiết bị, máy móc của các nhà sản xuất thương hiệu lớn phải xem xét năng lực của ta có đủ để kiểm định không; có những việc hàng bắt đầu đưa vào thử nghiệm chưa có các chỉ số mà chúng ta cứ đưa vào kiểm tra yêu cầu các chỉ số này thì cũng cần xem lại.

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đi vào cụ thể từng thủ tục của từng bộ, các bộ phải lý giải vì sao thủ tục này để, thủ tục kia cắt”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Theo ông, cải cách thủ tục hành chính từ bước kiểm tra chuyên ngành ở các bộ. Bởi hiện nay, thời gian kiểm tra chuyên ngành chiếm đến 50% thời gian thông quan.

“Có lô hàng hải quan thông qua nhưng không thông quan được do 1-3 tháng sau bộ chuyên ngành mới kiểm tra. Khi kiểm tra hôm nay yêu cầu 1 thủ tục, mai 1 thủ tục cho nên có những lô hàng nằm ở của khẩu 3, 4 tháng là bình thường, trong khi quy định 15 ngày, có mặt hàng 30 ngày”, Chủ nhiệm VPCP dẫn chứng.

Ngoài ra, ông cũng chỉ rõ nhiều việc chúng ta vẫn cài cắm giấy phép như một điều kiện kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định. Hoặc có bộ ra văn bản không phải thông tư nhưng yêu cầu này kia, tạo rào cản khác biệt.

Thực hiện đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (đề án 896), Bộ Công an đã rà soát, đơn giản được 120 thủ tục.

Kiểm tra chuyên ngành “hành” doanh nghiệp

Bài viết mới