Với một loạt những ngôi nhà rải rác nép mình dưới chân một ngọn núi, thị trấn Nagicho trông giống như một thị trấn bình thường của Nhật Bản. Nhìn kỹ hơn, thị trấn này đặc biệt ở chỗ có rất nhiều trẻ con. Yuki Fukuda một trong nhiều bà mẹ địa phương có ba con. Phần bụng nổi lên dưới áo khoác của cô báo hiệu một đứa trẻ nhỏ sắp ra đời. Tỷ lệ sinh của thị trấn đã tăng gấp đôi từ năm 2005 đến nay, một điều rất đáng mừng ở Nhật Bản.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi sau đó các phóng viên đã đổ xô đến vùng đất xa xôi này để xem liệu có cái gì đó làm thúc đẩy khả năng sinh sản bên trong dòng nước chảy xuống từ núi Nagi hay không? Nguyên nhân hóa ra lại rất bình thường: đó là kinh tế. Trước tình trạng báo động về sự thiếu hụt trẻ em, chính quyền địa phương đã tăng cường khuyến khích việc sinh con. Tỷ lệ sinh đã tăng từ 1,4 (có nghĩa là trung bình 1 phụ nữ sẽ sinh 1,4 đứa con trong đời, gần với tỷ lệ sinh trung bình tại Nhật Bản) lên mức 2,8 vào năm 2014. Con số tạm thời cho thấy tỷ lệ sinh đã giảm xuống 1,9, nhưng kể cả như thế thì tỷ lệ sinh vẫn cao hơn tỷ lệ sinh trung bình cả nước.
Cô Fukuda sẽ nhận được khoản tiền giá trị 300.000 Yên (2.682 đô la) sau khi sinh. Cô có thể thuê người trông trẻ với giá rẻ – 1.800 Yên mỗi ngày – vì đã có trợ cấp, cùng với ghế ngồi ô tô và phụ kiện khác dành cho trẻ nhỏ đều được trợ giá. Khi con của cô học đến trường trung học cô sẽ nhận được 90.000 Yên một năm cho mỗi đứa nhỏ đi học. Về lý thuyết, khoản trợ cấp này là để trang trải tiền học phí của việc đưa con đi học, đặc biệt là cho những người sinh sống ở khu vực tương đối xa. Và trong khi thông thường thì người nghèo nhất và người già tại Nhật Bản đều phải trả 30% hóa đơn chăm sóc sức khỏe (Chính phủ sẽ chi trả phần còn lại), thì ở Nagicho chình quyền địa phương chi trả 30% cho cả trẻ em.
Các sáng kiến khác còn sáng tạo hơn. Thị trấn nhờ vào một mạng lưới các tình nguyện viên để giúp duy trì hoạt động của hai nhà trẻ. Các công ty chuyển tới hoạt động tại thị trấn được hưởng chính sách ưu tiên miễn giảm tiền thuê đất – một động thái thu hút đầu tư của chính quyền địa phương đã thu hút được 3 công ty từ năm 2014, theo Yoshitaka Kumagai – một quan chức chính quyền địa phương. Thành phố cũng cung cấp một khu các căn hộ và nhà ở được tân trang lại hoặc xây dựng mới để cho thuê với mức giá được trợ cấp.
Ông Kumagai nhấn mạnh rằng tất cả sự hào phóng này đã đẩy phần ngân sách hàng năm của thị trấn dành cho việc nâng tỷ lệ sinh từ 2% lên 3% (của 4 tỷ yên). Giống như hàng nghìn cộng đồng khác đang bị thu hẹp về quy mô dân số trên khắp Nhật Bản, thị trấn này đã tuyệt vọng, ông nói. Nagicho đã mất một phần ba dân số kể từ năm 1955, và một phần ba trong số 6.100 người tại thị trấn là trên 65 tuổi. Ông nói “chúng tôi đang cố giữ dân số thị trấn ở mức 6.000 người”.
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của thị trấn cũng là tình trạng chung của nhiều nơi tại Nhật Bản. Theo một ghi chép, số người chết đã vượt qua số trẻ sinh ở mức 300.000 trong năm 2016; các dự báo của chính phủ nói rằng dân số 127 triệu người có thể sụt giảm gần một phần ba trong 50 năm tới. Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết nâng tỷ lệ sinh lên mức 1,8. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, phần lớn trong khoản chi tiêu công bổ sung giá trị 2 tỷ Yên vừa được nội các thông qua tháng trước là để dành cho các chương trình chăm sóc trẻ em.
Liệu mô hình của Nagiacho có thể được áp dụng ở nơi nào khác không? Hiroko Kaihara, người đã đến sống tại thị trấn cách đây nhiều năm với ba đứa con của mình và làm việc tại một trong những nhà trẻ không nghĩ như vậy. Cuộc sống nơi đây hấp dẫn ở nét thanh bình và ý thức cộng đồng. “Các bà mẹ cảm thấy an toàn khi có thêm con; không phải dễ dàng để tạo ra những điều kiện như thế”. Cô Fukuda cũng cố gắng giải thích tại sao các gia đình lại ngày càng lớn hơn. Tiền thực sự giúp ích, cô thừa nhận, nhưng đó không phải lý do chính. Có lẽ có gì đó trong nguồn nước đứng đằng sau tất cả chuyện này.