Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa chấp thuận đề xuất của Sở GTVT TP về các vị trí cảng, bến phục vụ vận tải hành khách và du lịch đường thủy ở khu vực trung tâm TP.
Cảng hàng hóa thành cảng tàu khách
Theo đó, khu bến Bạch Đằng (quận 1) sẽ là bến trung tâm, vừa phục vụ các hoạt động công cộng, vừa phục vụ du lịch đường thủy theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP giai đoạn 2017-2020.
Với khu Nhà Rồng – Khánh Hội (quận 4, thuộc cảng Sài Gòn), do có hệ thống cầu cảng biển được đầu tư hoàn chỉnh, kết nối giao thông đường thủy – bộ thuận lợi nên khi quy hoạch lại, chuyển đổi, khu vực này sẽ trở thành vị trí quan trọng trong phát triển vận tải hành khách và du lịch đường thủy.
Theo ông Phạm Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy Sở GTVT TP, dọc theo chiều dài 1.800 m của hệ thống cầu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, từ phía dưới Khu tưởng niệm Bến Nhà Rồng đến gần ngã ba Kênh Tẻ – sông Sài Gòn, ngành giao thông sẽ lấy từ mép cầu cảng vào phía bờ khoảng 50 m. Trên phần diện tích này sẽ dành làm các bến cho cả tàu biển và tàu sông chở hành khách nội địa và quốc tế. Cạnh đó sẽ hình thành các khu chức năng dịch vụ hỗ trợ trên bờ nhằm đảm bảo thuận lợi, hiệu quả trong khai thác vận tải hành khách và du lịch.
Diện mạo khu vực cảng Nhà Rồng – Khánh Hội tương lai. Đồ họa: HỒ TRANG
Khu kho cảng thành đô thị cao cấp
Theo Sở GTVT, khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội hiện có diện tích khoảng 450.000 m2 (45 ha). Nếu lấy đường Đoàn Như Hài hiện đi dọc theo chiều dài cầu cảng và chiều rộng 50 m tính từ mép cầu cảng như nêu trên thì 45 ha trên được chia hai, trong đó: Hơn 13 ha tính từ mép cầu cảng sẽ thành khu cảng tàu khách và du lịch đường thủy; hơn 31 ha còn lại rộng ra đến hàng rào cảng sát đường Nguyễn Tất Thành, hiện là khu kho bãi của cảng, sẽ thành khu đô thị cao cấp cảng Nhà Rồng – Khánh Hội.
Mở rộng đường Nguyễn Tất Thành
Theo quy hoạch, đường Nguyễn Tất Thành đoạn qua khu vực Nhà Rồng – Khánh Hội và đoạn đường Đoàn Như Hài trong khu vực cảng sẽ được mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại trong tương lai. Các phương án đầu tư đang được tính toán. Tuy nhiên, theo một chuyên gia địa ốc, với sức hấp dẫn của việc chuyển đổi chức năng của toàn khu vực Nhà Rồng – Khánh Hội từ cảng hàng hóa sang cảng du lịch và căn hộ cao cấp, việc tìm nhà đầu tư trong nay mai là không quá khó.
Đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 hiện chỉ rộng 7 m cho mỗi chiều và là tuyến huyết mạch nối thông quận 1, 4 và 7. Hiện tuyến đường này dùng cho các dòng xe ra vào cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, cảng Tân Thuận, Bến Nghé và là tuyến vận chuyển xăng dầu từ Nhà Bè vào nội đô. Trong tương lai, tuyến đường này sẽ phải mở rộng lên 37-42 m (tùy theo đoạn) và trở thành tuyến đối ngoại chính của quận 4 nối thông qua lại với quận 1 và 7.
Theo ông Nguyễn Vinh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP), việc mở rộng đường Nguyễn Tất Thành theo quy hoạch trên là cấp bách để xóa các điểm đen về ùn tắc tồn tại trên tuyến từ nhiều năm qua. Mặt khác, đường này phải làm trước để đón đầu, đáp ứng nhu cầu phát triển của hai khu chức năng cảng tàu du lịch và khu đô thị cao cấp nêu trên.
“Ngân sách thì quá eo hẹp, khó có để sớm làm đường này. Còn phương án huy động nhà đầu tư hưởng lợi từ các dự án ở hai khu chức năng trên thì mới chỉ là dự tính, nghiên cứu, xem xét” – ông Ninh cho biết. Cạnh đó, việc mở rộng đường Nguyễn Tất Thành từ tim ra đều hai bên thì lượng nhà dân ở phía bên tay phải, theo hướng từ quận 1 qua quận 7, bị giải tỏa, bồi thường sẽ rất lớn, kinh phí từ ngân sách khó gánh nổi. Còn nếu mở lệch về phía bờ rào cảng thì nhà đầu tư được giao đất rất khó chấp thuận.
Tương tự, con đường Đoàn Như Hài nằm trong khu cảng hiện hữu, nếu kéo dài suốt 1.800 m thì sẽ được ai đầu tư: TP hay nhà đầu tư khu cảng du lịch hay nhà đầu tư khu đô thị cao cấp? Đó là các câu hỏi hiện còn bỏ ngỏ.
Trở thành đất vàng
Theo Sở GTVT TP, cầu Thủ Thiêm 4 nối từ khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 qua đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 sẽ được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ là cầu dây văng với chiều dài 2,1 km. Cầu bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh với các nút giao Nguyễn Văn Linh – cầu Tân Thuận 2 và hai nhánh cầu dẫn N1, N2 từ cầu chính phía quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát (gần cổng Khu chế xuất Tân Thuận). Tổng kinh phí xây dựng cầu hơn 5.300 tỉ đồng.
Đến nay, có nhiều nhóm liên danh nhà xây dựng cầu đường và đầu tư bất động sản đề xuất xây cầu Thủ Thiêm 3 và nâng cấp đường Tôn Đản theo hình thức đối tác công tư. Theo đó, điểm đầu của cầu Thủ Thiêm 3 sẽ từ đường Tôn Đản, quận 4, băng qua đường Nguyễn Tất Thành đi vào cổng chính của cảng Khánh Hội hiện hữu rồi vượt sông Sài Gòn để nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2.
Với việc làm hai cầu trên sẽ tạo ra vị trí địa lý đất vàng cho khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội hiện hữu. Cụ thể, với phía Nam-Đông Nam tiếp giáp kênh Tẻ, cầu Tân Thuận và cầu Thủ Thiêm 4; phía Đông-Đông Bắc tiếp giáp sông Sài Gòn; phía Tây-Tây Nam là đại lộ Nguyễn Tất Thành mở rộng; phía Bắc là kênh Bến Nghé và hầm Thủ Thiêm; ở chính giữa là cầu Thủ Thiêm 3.