Lãnh đạo UBND tỉnh Long An vừa có những kết luận quan trọng liên quan đến phương án triển khai, quy mô xây dựng của tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh.
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM
Văn phòng UBND tỉnh Long An vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út thống nhất một số nội dung liên quan đến phương án triển khai dự án đường Vanh đai 4 đoạn qua Long An.
Cụ thể, Long An thống nhất chọn phương án mặt cắt ngang đường Vành đai 4 qua Long An rộng 25,5m để đồng bộ với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và TP.HCM.
Đồng thời, chọn phương án 2b đường cao tốc, 100km/h, 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường 25,5m, cầu bố trí hai đơn nguyên, mỗi đơn nguyên 12,25m.
Đoạn sau cầu Cần Giuộc đến ranh tỉnh Long An – TP.HCM (Km 68+800 – Km 74+500, dài 5,7km) đi trên cao để không phá vỡ quy hoạch đô thị, phù hợp với mỹ quan, kiến trúc khu đô thị hiện đại.
Dự án sẽ xây dựng trạm dừng nghỉ trên địa bàn huyện Đức Huệ (Long An), diện tích khoảng 10ha. Trong đó, trạm dừng chân khoảng 1ha, phần còn lại quy hoạch kết hợp xây dựng các khu thương mại, dịch vụ.
Đối với chi phí tái định cư, thống nhất tính chung vào tổng mức đầu tư dự án để đề xuất Trung ương hỗ trợ vốn. Về cơ chế vốn, Long An thống nhất đề xuất ngân sách Trung ương 90%, ngân sách tỉnh 10%.
Theo quy hoạch, Vành đai 4 có tổng chiều dài 206,8km đi qua 5 tỉnh, thành phố. Trong đó, đoạn thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài 8,7km, Đồng Nai: 45,6km, Bình Dương: 47,45km, TP.HCM: 17,3km, đoạn qua Long An dài nhất với khoảng 78,3km.
Ở giai đoạn 1, dự án có bề rộng mặt đường từ 22m – 27m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 105.964,6 tỉ đồng.
Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và lãnh đạo 5 tỉnh thành mới đây đã thống nhất quy mô mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 phần tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc (tối thiểu 4 làn xe chạy, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy).
Riêng đối với đoạn Vành đai 4 TP.HCM đã được đầu tư xây dựng (trên địa bàn tỉnh Bình Dương), đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu, đề xuất quy mô đầu tư phù hợp với quy hoạch.
Dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án Vành đai 4 TP.HCM lên tới 105.000 tỉ đồng và đi qua nhiều địa phương.
Do đó, cần có giải pháp đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, vì vậy thống nhất cần báo cáo, xin ý kiến Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM để trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT và UBND các tỉnh thống nhất đề nghị UBND TP.HCM đảm nhận vai trò là cơ quan đầu mối để thực hiện tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan đầu mối sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng, hoàn thiện Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM để báo cáo xin ý kiến Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại cuộc họp gần nhất.
Bộ GTVT và các địa phương thống nhất đề nghị TP.HCM chủ trì, thống nhất với các địa phương lựa chọn một đơn vị tư vấn tổng thể để thực hiện rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP.HCM.