Ổn định để tiếp đà tăng trưởng
“Trong bối cảnh áp lực lạm phát ở mức vừa phải, chính sách tiền tệ (CSTT) và tín dụng tiếp tục cân đối giữa ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng”, đó là nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong Báo cáo mới nhất Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Theo WB, chỉ số giá tiêu dùng chung của Việt Nam tăng 3% (so với cùng kỳ năm trước) trên cơ sở lạm phát cơ bản ổn định ở mức 1,3% trong tháng 10. Với áp lực lạm phát ở mức vừa phải, NHNN quyết định cắt giảm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 25 điểm phần trăm xuống còn 4,25% và 6,25% vào tháng 7/2017 là bước đi hợp lý.
Ổn định tỷ giá và dự trữ ngoại hối cao đã tạo an tâm lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước
Nhận định của WB cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cả trong và ngoài nước đối với sức tăng trưởng tương đối tích cực của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ của NHNN về điều hành CSTT. Mới đây, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Eric Sigwick – Giám đốc Quốc gia NH Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho rằng: Năm 2017 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam nói chung và của NHNN nói riêng.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm – mục tiêu mà nhiều năm trước không thể đạt được. Lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% hoàn toàn có thể đạt được trong năm 2017. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá được duy trì ổn định. Đặc biệt, NHNN đã rất thành công trong việc dự trữ ngoại hối năm 2017 đạt mức kỷ lục 46 tỷ USD. Đây sẽ là dự trữ an toàn cho Việt Nam trước nhiều biến động trong tương lai.
Hầu hết các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao sự ổn định về tỷ giá, lãi suất, đặc biệt trong những tháng cuối năm lãi suất có xu hướng giảm tạo điều kiện cho các DN. NHNN tiếp tục duy trì tỷ giá USD/VND trong một biên độ hẹp, cho phép tỷ giá trung tâm mất giá 1,4% trong 10 đến 11 tháng đầu năm. Cách làm đó giúp duy trì tỷ giá thực đa phương (REER) ở mức cao đối với đồng nội tệ và tạo điều kiện tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 5 tỷ USD trong ba quý đầu năm. Ổn định tỷ giá cộng với mức tăng trưởng của dự trữ ngoại hối hiện nay có thể nói đã tạo sự an tâm lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả với các nhà đầu tư gián tiếp cũng như đầu tư trực tiếp.
Có thể thấy, điều hành CSTT trong thời gian qua của NHNN đã được các tổ chức tài chính quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Mặt khác, dù có những tác động của thế giới nhưng chính sách của NHNN vẫn thể hiện sự rõ ràng, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.
Tiếp tục tái cơ cấu các TCTD giai đoạn II
Năm 2017 có thể xem là năm của những điểm nhấn quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu các TCTD. Kết thúc giai đoạn 1 của Đề án tái cơ cấu các TCTD, mục tiêu đạt được đó là sự ổn định của các TCTD trong suốt thời gian qua, kể cả ở những thời điểm có một số TCTD khó khăn. Cho tới nay, các NH cũng đang hoạt động một cách rất tích cực và đang có nhiều biện pháp triển khai quyết liệt tiếp theo.
NHNN đã và đang bắt tay vào giai đoạn II tái cơ cấu các TCTD theo Quyết định 1058 của Chính phủ. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “khi triển khai đề án này, trên nền tảng những kết quả của giai đoạn I, NHNN đã và đang tích cực xây dựng các đề án phê duyệt cho từng NH, kể cả các NH lành mạnh cũng như các NH còn đang có những khó khăn”. “Với đề án này, đặc biệt khi Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD vừa được thông qua sẽ là điều kiện pháp lý quan trọng cho các giải pháp, biện pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn II có được những kết quả tích cực trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng: Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là các văn bản pháp lý quan trọng để tạo ra một cơ chế đồng bộ – nối tiếp bởi các biện pháp triển khai giúp xử lý nhanh chóng các khoản nợ xấu, khơi thông dòng vốn đang bị đóng băng tại VAMC. Theo ông Eric Sigwick, đây là một bước đi quan trọng đầu tiên, vấn đề tiếp theo cần quan tâm đó là làm thế nào để triển khai chúng hiệu quả.
WB cũng nhận định, Nghị quyết 42 đã giải quyết được một số trở ngại để xử lý nợ xấu hiệu quả, bao gồm cả các biện pháp cải thiện để bên cho vay có khả năng thực thi hiệu lực đối với tài sản đảm bảo nhằm tạo điều kiện cho các NH thu hồi tài sản thế chấp và giải chấp nợ xấu, đồng thời tạo điều kiện tăng cường giao dịch nợ xấu trên thị trường thứ cấp.
“Văn bản pháp quy hướng dẫn triển khai các nguyên tắc Basel II cũng đang được xây dựng và dự kiến sẽ cải thiện về quản lý rủi ro ở các NH và xử lý được những rủi ro quan trọng trong các hoạt động ở khu vực NH. NHNN cũng đang nỗ lực xác định những NH yếu kém và xử lý rủi ro hệ thống do các NH đó gây ra”, WB cho biết.
Còn rất nhiều khó khăn đeo đuổi hệ thống NH trong tiến trình tái cơ cấu TCTD. Song theo ông Eric Sigwick, “khi nhìn tổng quan chung, triển vọng phát triển của ngành NH Việt Nam đã được đẩy mạnh bởi những bứt phá này. Cũng chính bởi sự thay đổi này mà mới đây Tổ chức tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng tín nhiệm xếp hạng hệ thống NH Việt Nam từ ổn định lên tích cực”, ông Eric Sigwick khẳng định.
Trong quá trình tái cơ cấu các TCTD suốt thời gian qua, NHNN đặt ra nhiều nguyên tắc và mục tiêu. Tuy nhiên, có thể nói nguyên tắc và mục tiêu quan trọng nhất, như Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ: trước hết là đảm bảo cho sự ổn định hoạt động của mỗi TCTD. Nguyên tắc đó cũng đã và đang được triển khai bằng nhiều giải pháp. Song song với đó là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.
“Tất cả người gửi tiền tại các TCTD, kể cả TCTD nhà nước cũng như TCTD cổ phần, quỹ tín dụng nhân dân đều được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Đây cũng là chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.