Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thế giới đi qua một tuần lễ giao dịch không mấy tích cực…
1.TTCK Việt Nam “hồi phục” mạnh mẽ
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ hồi phục mạnh mẽ khi chỉ số VN-Index đã có sự cải thiện đáng kể tiếp so với tuần giao dịch liền kề trước đó. VN-Index giữ vững được cột mốc 940-960 điểm vùng hỗ trợ mạnh.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 992.87 điểm (tăng 1,11%) và HNX-Index chốt phiên ở 125,75 điểm (tăng 1,12%). Đi theo xu hướng tuần liền trước, thị trường trong phiên giao dịch mở đầu tuần qua đã trải qua khá nhiều khó khăn khi các chỉ số đều đồng loạt giảm điểm mạnh trong những phiên giao dịch trong tuần tuy nhiên 4 phiên giao dịch ngay sau đó, VN-Index đã có sự cải thiện đáng kể lấy lại mốc cân bằng. Tuần qua cũng chứng kiến sự cải thiện về mặt thanh khoản đồng đều trên cả 2 sàn.
Biến động VN-Index trong 3 tháng
Ngay trong những phiên mở cửa tuần mới, thị trường trở lại không mấy khả quan khi VN-Index đã để rơi mất gần 32 điểm. Toàn bộ cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán đã thể hiện sự “đồng thuận” khi cùng chịu sự điều chỉnh sâu, có nhiều những mã nằm sàn. Trong khi đó, bên cạnh sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sắc đỏ cũng lan tỏa rộng và đồng đều ở cả các nhóm MidCap .Dường như tâm lý hoảng loạn trong những phiên cuối tuần trước đó vẫn còn dư âm khá lớn.
Tuy nhiên trái ngược hoàn toàn với phiên sụt giảm ngày thứ 2, phiên giao dịch ngày hôm sau là một trong những cú hồi phục mạnh nhất kể từ khi thị trường trượt dài từ đỉnh vào đầu tháng Tư. Rất nhiều cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán quay đầu 180° khi có tới 86 mã chạm trần so với 82 mã sàn hôm thứ 2. Độ rộng thị trường cải thiện tích cực hơn là tiền đề cho những phiên cải thiện điểm số sau đó. Dường như dấu ấn của nhóm cổ phiếu ngành tài chính luôn rất đậm nét trong các phiên tăng mạnh. Đà tăng cũng lan rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu trong đó các cổ phiếu VN30 vẫn là đích đến của dòng tiền.
Theo các chuyên gia BSC nhận định, thị trường tuần qua dường như đã phác họa rõ nét sự ổn định hơn so với trước đây. Tuy nhiên, trong thời gian tới, thị trường vẫn có khả năng có đợt điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng điểm vừa qua. Nhà đầu tư có thể giải ngân một phần nhỏ trong những phiên thị trường điều chỉnh nhẹ và tránh sử dụng margin.
Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch rất sôi động, mang tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading chủ yếu đến từ các vị thế long- short luân phiên mạnh mẽ.
Trước sự điều chỉnh và hồi phục quá mạnh của VN30-Index từ thị trường cơ sở, đã thúc đẩy rất nhiều lệnh lao vào chiến đấu với khối lượng cực lớn. Lượng giữ lệnh qua đêm cũng tăng lên đáng kể.
Dù xu hướng chính tuần qua là tăng điểm nhưng với các nhịp rung lắc nhanh, mạnh diễn ra khá nhiều trong phiên đi cùng biên độ giá nới vô cùng rộng đã giúp cho hoạt động trading trong ngày trải qua nhiều cảm xúc hồi hộp theo từng phút. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự tăng cao đáng kể.
Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 92.090 hợp đồng (tăng gần 12% so với tuần liền trước).
2. TTCK thế giới đi qua một tuần không mấy “tích cực”
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa sau một tuần giao dịch mà không có sự cải thiện đáng kể nào. Thị trường bị bán mạnh trong phiên thứ ba do những lo ngại về chính trị tại Ý và sự ổn định của khu vực đồng euro, nhưng sau đó đã hồi phục lại trong các phiên tiếp theo. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.734 điểm (+0,4%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.635 điểm (-0,59%) và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.554 điểm (+1,78%).
Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng điểm khá tốt trong tuần, trong khi các cổ phiếu tài chính giảm do phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh về lợi suất trái phiếu dài hạn khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng sinh lời của ngân hàng.
Tuần qua tại châu Âu không có tin tức kinh tế vĩ mô nào đáng chú ý. Nhưng câu chuyện thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lại là câu chuyện chính trị. Chứng khoán châu Âu đã trải qua một tuần sóng gió khi tình hình tại Ý và Tây Ban Nha bất ổn.
Tại Châu Âu, các chỉ số chứng khoán chính hầu như đều bị ảnh hưởng. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.701 điểm (-0,16%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.724 điểm (-2,24%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.465 điểm (-1,8%). Cuối cùng, Ý cũng thành lập được một chính phủ liên minh. Tuy nhiên theo các chuyên gia, những rủi ro của khu vực đồng euro vẫn còn tồn tại khi phong trào dân túy ở các quốc gia thành viên có thể đe dọa sự liên kết của cả khối.
Bên cạnh đó, chứng khoán Nhật cũng ghi nhận tuần lễ giảm điểm. Chỉ số Nikkei 225 giảm 1,24% và đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu ở mức 22.171 điểm. Chỉ số TOPIX Index cũng giảm điểm, đóng cửa ở 1.749 điểm (-1,24%). Đồng yên tăng giá trong tuần qua, đóng cửa ở mức 109,6 yên /đô la Mỹ, cao hơn khoảng 3,1% so với cuối năm 2017.
Trong báo cáo triển vọng hàng quý của mình, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda đã thông báo rằng ông đã được ban cố vấn của chính phủ chấp thuận mục tiêu lạm phát. BoJ có kế hoạch để giảm dần các chính sách tiền nới lỏng của mình khi một số điều kiện được đáp ứng. Nhưng ông nói thêm rằng các cuộc thảo luận về cách thức hoặc thời điểm cắt giảm chương trình kích thích sẽ chưa được tiến hành trong thời điểm này, vì lạm phát vẫn thấp hơn mục tiêu 2%.
Đối với thị trường Trung Quốc, vào đầu tuần các chỉ số chứng khoán giảm mạnh trong tuần do rủi ro trên toàn cầu tăng lên. Nhưng tới cuối tuần, đà giảm đã chững lại và chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.075 điểm (-1,95%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.492 điểm (-0,86%).
Vào ngày thứ Sáu, 234 công ty Trung Quốc chính thức gia nhập rổ chỉ số toàn cầu của MSCI, bao gồm cả chỉ số thị trường mới nổi của MSCI. Để đạt được kết quả trên, Bắc Kinh đã tiến hành nhiều cải cách thị trường vốn và MSCI đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn với các nhà đầu tư toàn cầu trong những năm gần đây. Theo một số chuyên gia dự kiến, Trung Quốc sẽ thu hút thêm hàng tỷ đô la đổ vào thị trường chứng khoán.