TTCK Việt Nam tiến sát vùng đỉnh cũ
Tuần qua, thị trường tiếp tục tăng điểm, chỉ số VN-Index mặc dù gặp khó khăn trước sức ép giằng co tại vùng đỉnh tuy nhiên cuối cùng đều đã có sự nỗ lực giữ vững cột mốc được thiết lập tuần trước.
Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 1.121,21 điểm (+1,68 %) và HNX-Index chốt phiên ở 128,25 điểm (+1,59%) so với tuần liền trước. Dường như càng tiến sát tới vùng đỉnh cũ, áp lực chốt lời tăng cao đã khiến chỉ số không thể bứt phá mạnh mẽ. Tuần qua cũng là tuần chứng kiến việc bán ròng của khối ngoại khá mạnh trên cả hai sàn. Trong đó, bán ròng trên HOSE với hơn 1.020 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 91 tỷ đồng.
Dòng tiền hầu hết chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu Large Cap, chưa có sức lan tỏa đều khắp thị trường. Nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, ACB, BID, CTG, VPB …đang là tâm điểm thu hút dòng tiền của thị trường và đồng loạt tăng mạnh kéo chỉ số trong những phiên giao dịch đầu tuần. Các cổ phiếu có tính thị trường cao hơn như bất động sản cũng giao dịch khá tích cực thu hút dòng tiền trong những phiên giao dịch cuối tuần với nhiều mã tăng giá đáng chú ý như DXG, LDG, DIG, SCR…
Đáng chú ý hơn cả là mặc dù trong các phiên đôi khi diễn ra đà rung lắc mạnh nhưng dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào thị trường. Thị trường đang tiếp cận lại mốc đỉnh cũ vừa vẫn tiếp tục cho thấy những tiềm năng còn tăng trưởng tốt. Trong các phiên trong tuần, thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục giảm điểm mạnh mẽ đã phần nào tác động lên thị trường Việt Nam khiến giao dịch tiêu cực trong cả phiên sáng tuy nhiên hầu hết sắc xanh đều được kéo lại vào các phiên giao dịch buổi chiều.
Giữa tuần vừa qua, khi tuyên bố áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu của tổng thống Mỹ được đưa ra đã khiến cho thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa. Phần lớn các cổ phiếu thép tại châu Á đồng loạt lao dốc, nhưng tại Việt Nam 1 số đại diện tiêu biểu của nhóm ngành này như HPG, HSG, NKG chỉ điều chỉnh nhẹ.
Đối với thị trường CK phái sinh, trước các phiên biến động giằng co của thị trường cơ sở, thị trường phái sinh cũng ghi nhận một tuần giao dịch rất sôi động với các hoạt động trading trong những phiên rung lắc đảo chiều liên tục đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho các vị thế trading T+0. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự gia tăng đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 31.454 hợp đồng.
TTCK thế giới trải qua một tuần lễ đồng loạt điều chỉnh
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong tuần. Các cổ phiếu ngành công nghệ thông tin và tiêu dùng thiết yếu giữ giá khá tốt, trong khi các cổ phiếu ngành công nghiệp lại sụt mạnh. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.691 điểm (giảm 2,39%). Sự sụt giảm của cổ phiếu hãng công nghiệp khổng lồ Caterpillar đã gây ảnh hưởng lớn vào chỉ số Dow Jones Industrial Average, khiến chỉ số này đóng cửa ở 24.538 điểm (giảm 3,4%). Chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.257 điểm (giảm 1,57%). Hai chủ đề đang khiến các nhà đầu tư lo ngại nhất ở thời điểm hiện tại là lạm phát và nguy cơ chiến tranh thương mại với các nước đối tác của Mỹ.
Chứng khoán Châu Âu kết thúc tuần giảm điểm, trong bối cảnh tin tức kinh tế ảm đạm và những lo ngại về chiến tranh thương mại sau khi Tổng thống Mỹ thông báo sẽ áp thuế đối với thép và nhôm. Ngoài ra những báo cáo về sức mạnh sản xuất yếu từ dự báo của Trung Quốc cũng gây thêm sức ép lên thị trường chứng khoán châu Âu. Kết thúc tuần, chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.913 điểm (giảm 5,2%), chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.069 điểm (giảm 2,4%), chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.136 điểm (giảm 3,87%).
Thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng giảm điểm trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 Stock Average kết thúc tuần ở mức 21.181 điểm (giảm 3,25%) so với tuần trước, và giảm 6,95% so với đầu năm 2018. Chỉ số TOPIX đã giảm 2,96% trong tuần và đã giảm 6,01% tính từ đầu năm. Đồng Yên đóng cửa ở mức 105.41 so với đô la Mỹ, giảm nhẹ 1,08% so với tuần trước.
Ngoài nguyên nhân từ lo ngại chiến tranh thương mại với Mỹ, giới đầu tư Nhật Bản còn đang dành sự quan tâm tới định hướng chính sách sắp tới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu của BoJ trong tháng trước đã làm dấy lên dự đoán rằng ngân hàng trung ương có thể bắt đầu giảm dần chính sách nới lỏng tiền tệ của mình mặc dù vẫn chưa đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Mặc dù vậy, dường như BoJ vẫn cam kết duy trì thực hiện chính sách tiền tệ như hiện nay trong vài quý tới.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng giảm điểm cùng thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 30.583 điểm (giảm 3%), chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 3.254 điểm (giảm 1,6%).
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là mỗi lo ngại về các chính sách mới của Mỹ có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra các con số đo lường sức mạnh của kinh tế trung quốc cũng khiến nhà đầu tư cảm thấy lo lắng. Các chỉ số tăng trưởng sản xuất và dịch vụ chính thức của Trung Quốc đột ngột sụt giảm trong tháng 2, báo hiệu nền kinh tế nước này bắt đầu chậm lại. Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp hơn dự đoán là 50,3. Chỉ số PMI phi sản xuất giảm xuống 54,4 điểm.