Đặt sai vị trí thì phải di dời
Theo ông Bùi Đức Thụ, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT không nên để kéo dài tình trạng “hỗn loạn” như đang diễn ra ở Cai Lậy. Theo ông Thụ, một số dự án BOT khi triển khai đã “cố tình” “nhập nhèm” gộp dự án làm tuyến tránh với dự án cải tạo nâng cấp đường cũ vào làm một, rồi đặt trạm ở vị trí đường cũ, thu phí phương tiện qua lại. Điều này cũng là nguyên nhân khiến người dân bức xúc, phản đối.
“Theo quy định, việc đặt trạm thu phí BOT phải nằm trong vùng dự án. Do đó, nếu làm một nơi, thu phí một nẻo thì rõ ràng là không phù hợp, cần phải điều chỉnh, di dời trạm”, ông Thụ nói.
Ông Bùi Đức Thụ.
Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thì khẳng định, trạm BOT Cai Lậy đặt không đúng vị trí, khiến người dân bức xúc. “Nguyên tắc là dự án làm ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Làm dự án ở đâu thì thu phí ở đó. Chứ không phải làm một nơi, thu phí một nẻo”, ông Chiểu nói đồng thời nhấn mạnh, nguyên tắc tối cao là phải để cho dân có quyền lựa chọn giữa đi đường BOT và đường không mất phí. Nhưng thực tế, có nhiều trạm BOT, trong đó có BOT Cai Lậy đã không thực hiện đúng nguyên tắc trên, khiến dư luận bức xúc.
Nên mua lại dự án BOT
Đề cập ý kiến cho rằng, Nhà nước nên bỏ tiền ra mua lại dự án BOT Cai Lậy vì không thể phá vỡ hợp đồng, ông Thụ cho rằng “đây là điều không ai mong muốn, nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, cần huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết thì cũng nên nghiên cứu giải pháp này”.
“Theo rà soát thì hiện có 7 dự án BOT khác có vị trí đặt trạm thu phí như Cai Lậy. Nếu bỏ tiền ra mua lại thì cần đến con số khoảng 8-10 nghìn tỷ đồng. Đây là con số tương đối lớn, nhưng cũng không phải là không bố trí được. Do đó, cần phải nghiên cứu một cách tổng thể để có giải pháp hữu hiệu”, ông Thụ nói. Còn ông Chiểu chia sẻ: “Không nên quá lo ngại việc Nhà nước không có tiền để mua lại các dự án đang lập trạm BOT. Nếu nhà nước quyết định được thì nhà nước lo được. Hàng nghìn tỷ là số tiền rất to nhưng cũng không phải là lớn đối với quốc gia này. Vấn đề là làm đúng”, ông Chiểu nói.
Ông Trần Quang Chiểu. Ảnh: Như Ý.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, việc Bộ GTVT nói không có tiền để mua lại các dự án BOT chưa hẳn đã đúng. “Quan trọng nhất là chi đúng hay không. Nếu sai thì một đồng cũng không chi, nhưng nếu đúng và cần thiết thì một triệu đồng vẫn phải chi. Từ vụ BOT Cai Lậy, Chính phủ, Bộ GTVT nên giải quyết triệt để các vấn đề ở các dự án BOT khác, chứ không nên giải quyết một cách “vá víu”, thấy chỗ nào “hở” thì “bịt”. “Không giải quyết triệt để thì vá chỗ này thì nó sẽ bục chỗ khác mà thôi”, ông Chiểu nói.
Theo ông Chiểu, việc các nhà đầu tư chỉ bỏ ra có 35 nghìn tỷ đồng để làm BOT thôi, mà cả đoạn tuyến Quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam lập ra đến 17 đoạn để thu phí BOT là không phù hợp, làm tăng chi phí vận tải, đi lại của người dân và doanh nghiệp. “35 nghìn tỷ đồng đối với đất nước không phải là những con số quá lớn nên không hẳn không mua được”, ông Chiểu nói và cho rằng, trước mắt chưa có tiền thì Nhà nước bỏ tiền ra mua từng trạm một, sau đó cũng thu nhưng phí thấp để bảo trì.
“Nguyên tắc là dự án làm ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Làm dự án ở đâu thì thu phí ở đó. Chứ không phải làm một nơi, thu phí một nẻo”.
Đại biểu Trần Quang Chiểu
Thủ tướng quyết tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy 30 ngày