Ý tưởng đầu tư cho năm 2018 được các chuyên gia tại công ty chứng khoán khuyến nghị khá tương đồng. Trong báo cáo chiến lược mới đây của CTCK Rồng Việt, các chuyên gia đánh giá, cơ hội lớn sẽ xuất hiện ở nhóm cổ phiếu IPO và thoái vốn nhà nước.
Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ thực hiện thoái vốn tại khoảng 181 công ty, tương đương khoảng 70% số lượng doanh nghiệp cần thoái vốn trong giai đoạn 2018 – 2020. Bên cạnh đó, khoảng 45 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa năm 2017 sẽ phải IPO chậm nhất trong quý 1/2018.
Để hoàn thành kế hoạch thách thức này, Chính phủ đã điều chỉnh nhiều khung pháp lý (Nghị định 126 và Dự thảo Nghị định 91) nhằm tạo sự linh động và khả thi cho các nhà đầu tư tham gia vào quá trình đấu thầu. Cùng với các sửa đổi pháp lý thì chúng tôi kỳ vọng sự thành công của hai thương vụ thoái vốn thực hiện trong năm 2017 (VNM và SAB) sẽ là những kinh nghiệm thực tiễn để kế hoạch thoái vốn 2018 đạt kết quả mong đợi.
Trong số các doanh nghiệp được IPO và thoái vốn năm 2018 có một số tên tuổi đáng chú ý như BSR, PV Oil, PV Power, Satra, Tổng công ty Bến Thành, Vinafood2, Mobifone, ACV, hay PLX. Hầu hết các doanh nghiệp này là công ty đầu ngành trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng của Việt Nam.
Do đó, VDSC cho rằng đây là cơ hội lớn cho các NĐT, đặc biệt là NĐT muốn trở thành cổ đông chiến lược để có thể phát triển hoạt động lâu dài tại thị trường Việt Nam.
Đánh giá riêng về một số ngành, ví dụ ngành chứng khoán, VDSC cho rằng ngành này sẽ được hưởng lợi đầu tiên từ hoạt động tư vấn niêm yết cho các doanh nghiệp trên. Cụ thể, doanh thu từ phí và dịch vụ của các CTCK sẽ tăng mạnh trong năm 2018, do: (1) Thanh khoản thị trường dự báo sẽ tăng mạnh từ mức bình quân khoảng 4.000 tỷ năm 2017 lên khoảng 6.000 – 7.200 tỷ đồng trong năm 2018 và (2) Các sản phẩm mới trên TTCK như chứng khoán phái sinh (2017) và chứng quyền có bảo đảm (dự kiến từ 2018).
Do đó, các công ty có thị phần môi giới cao, có khả năng tăng thị phần, và có thế mạnh về hoạt động ngân hàng đầu tư là những lựa chọn mà NĐT có thể xem xét.
Một ngành khác được khuyến nghị là bất động sản dân dụng. Theo VDSC, môi trường lãi suất thấp là cơ hội để các doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh phát triển và tiêu thụ dự án.
Theo thống kê, lãi suất vay dài hạn của các chủ đầu tư BĐS chỉ dao động trong khoảng 10% – 11%/năm trong nhiều năm qua. Lãi suất cho vay mua nhà trong khi đó chỉ ở mức 9%/năm trong hai năm đầu, và bình quân 12% – 13% trong các năm tiếp theo.
Trong năm 2018, hiệp hội BĐS TP. HCM tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các gói hỗ trợ lãi suất cho dự án nhà ở xã hội (hỗ trợ cả chủ đầu tư và người mua nhà). VDSC cho rằng thị trường miền Nam sẽ sôi động hơn so với miền Bắc. Lượng cung nhà ở dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2018 – 2019 do điểm rơi bàn giao các dự án và sự gia nhập của nhiều ông lớn vào phân khúc trung cấp và bình dân.
Do đó, các dự án có vị trí thuận lợi, đáp ứng đúng khẩu vị thị trường (bình dân) và có pháp lý rõ ràng sẽ được tiêu thụ dễ dàng hơn. VDSC khuyến nghị NĐT có thể lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp BĐS sở hữu các dự án như trên. Một số tên tuổi có thể xem xét trong năm 2018 là VIC, DXG, NLG, hay KDH.
Ngoài ra, sau khi Bộ Xây dựng hoàn tất thoái vốn tại DIG, VDSC kỳ vọng sẽ có những chuyển biến lớn trong thời gian tới tại doanh nghiệp này. DIG sở hữu quỹ đất rộng lớn ở các tỉnh thành lân cận TP. HCM và Hà Nội, do vậy, kế hoạch và tiến độ triển khai dự án của DIG là những thông tin NĐT cần theo dõi trong năm 2018.