Tháng 9/2015, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) gây bất ngờ khi công bố sẽ bán thực phẩm. Việc một doanh nghiệp bán lẻ điện thoại lấn sân sang lĩnh vực dường như “chẳng liên quan” một mặt khiến cho nhiều nhà đầu tư thích thú và kỳ vọng, nhưng số đông có lẽ là nghi ngờ và chế giễu.
Rất nhanh chóng, chuỗi Bách Hóa Xanh ra đời và chạy thử nghiệm vào tháng 11/2015 với doanh thu trung bình mỗi cửa hàng chỉ khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, giống như các chuỗi cửa hàng khác của Thế giới di động, câu trả lời cho sự phát triển của chuỗi Bách Hóa Xanh đã được thể hiện thông qua số liệu doanh thu tăng trưởng mạnh từ đó đến nay.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017 khi Bách hóa Xanh được triển khai chính thức, chuỗi mang về 402 tỷ đồng doanh thu cho Thế giới Di động, tăng gần gấp 10 lần so với cùng kỳ 2016, và tăng gần gấp đôi so với 6 tháng cuối năm trước khi chuỗi đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Trong đó, riêng quý 2/2017, doanh thu của Bách Hóa Xanh tăng gần gấp đôi so với quý 1 và đạt 261 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng này, tiếp tục đến từ việc mở rộng chuỗi cửa hàng. Trong nửa đầu năm nay, chuỗi Bách hóa XANH đã mở rộng từ 48 siêu thị lên 110 siêu thị, tương đương với tốc độ tăng trưởng gấp 2,3 lần.
Trong năm 2016 khi vẫn còn đang trong thời gian chạy thử, chuỗi này cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu của chuỗi Bách hóa Xanh gia tăng từ 4,7 tỷ đồng trong tháng 1 lên 45,07 tỷ đồng vào tháng 12, tổng cộng mang về cho Thế giới Di động hơn 260 tỷ đồng trong năm 2016.
Theo thông tin từ Thế Giới di động, sau khi kết thúc giai đoạn chạy thử nghiệm, doanh thu bình quân 1 cửa hàng trong 1 tháng đã tăng từ mức 250 triệu/tháng/cửa hàng lên xấp xỉ 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, và đáp ứng các tiêu chuẩn để có thể nhân rộng lên 300 cửa hàng trong năm nay và 1.000 cửa hàng vào năm 2018.
Trong một báo cáo phân tích của CTCK Rồng Việt, các chuyên gia cho biết, theo tìm hiểu, biên lợi nhuận của hoạt động kinh doanh cửa hàng tiện lợi thường được duy trì ở mức 18 – 20%, khá cao so với hệ thống bán lẻ di động của MWG. Ngoài ra, số lượng cửa hàng tiện lợi tính đến cuối năm 2015 tại Việt Nam vẫn chưa quá cao như kì vọng, do đó MWG hoàn toàn có khả năng bắt kịp khi đã có kinh nghiệm mở rộng với tốc độ nhanh và chi phí đầu tư ban đầu tương đối thấp (50.000 USD/shop) so sánh với chuỗi Thegioididong và DienmayXanh.
Thị phần gộp chung của kênh bán lẻ hiện đại, bao gồm tất cả các thương hiệu, loại hình và mô hình chiếm vỏn vẹn 5% so với tổng quy mô thị trường bán lẻ thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu lên tới 72 tỷ USD. Điều này cũng có nghĩa con số doanh thu của Bách hóa Xanh sẽ không chỉ dừng ở mức 402 tỷ đồng như hiện tại.
“Trong thời điểm hiện tại, khó khăn của MWG sẽ vẫn đến từ cạnh tranh khi các chuỗi siêu thị khác như VinMart+, Circle K hay B’s Mart liên tục có sự mở rộng trong thời gian qua.” – VDSC đánh giá.
Nhưng theo chia sẻ của doanh nghiệp, BachhoaXanh sẽ không đi theo lối mòn với các sản phẩm giống như các chuỗi cửa hàng trên. RongViet Research nhận thấy BachhoaXanh chỉ cung cấp những mặt hàng có vòng quay sử dụng trong 1 tuần, các sản phẩm có tuổi đời trên 1 tháng gần như không xuất hiện tại gian hàng của MWG. Mặc dù vậy, đây cũng được coi là một con dao hai lưỡi khi MWG có thể hoàn toàn tập trung phục vụ 1 phân khúc người có nhu cầu nhưng hoàn toàn bỏ qua những phân khúc khác mà các chuỗi siêu thị hướng tới như học sinh/sinh viên.