Bay giá rẻ và truyền thống đắt như nhau
Khảo sát hệ thống bán vé của cả ba hãng hàng không trong nước ngày 20/12 cho thấy, quan niệm mua vé sớm để “săn” được vé rẻ hầu như không thể áp dụng được trong dịp Tết Nguyên đán 2018 sắp tới.
Giá vé của Vietnam Airlines từ TPHCM đi Hà Nội trong ngày 11/2/2018 (tức 26 Tết) trên hệ thống báo giá hơn 3,6 triệu đồng đã bao gồm các khoản thuế phí. Vietjet có mức giá 2,8 triệu đồng nhưng cộng thêm các khoản thuế phí cũng gần 3,6 triệu đồng. Hãng bay giá rẻ Jetstar Pacific để mức giá 3 triệu đồng, cộng thêm thuế phí cũng hơn 3,6 triệu đồng.
Như vậy, ranh giới về giá giữa các hãng hàng không giá rẻ hay truyền thống trong dịp Tết chỉ khoảng 1 trăm nghìn đồng. Nếu để ý chi tiết hơn, khách đi Vietnam Airlines được mang thêm 20 kg hành lý miễn phí thì giá trị của vé máy bay của 3 hãng trong dịp Tết hầu như không có sự chênh lệch nào.
Ở chiều ngược lại, cùng trong ngày 11/2, hành trình từ Hà Nội đi TP HCM (chiều bay rỗng) giá vé lại rẻ bất ngờ. Giá vé của Vietnam Airlines trên hành trình này phổ biến ở mức giá 968 nghìn đồng, Vietjet có mức giá 399 nghìn đồng, còn Jetstar Pacific để ở mức giá 500 nghìn đồng (chưa tính thuế, phí).
Lý do các hãng hàng không đưa ra để tăng giá dịp Tết là phài bù lỗ cho chiều rỗng. Tuy nhiên, nếu lấy mức giá ngày thường của chặng Hà Nội – TP HCM khoảng 1,2 triệu đồng thì mức giá ngày Tết tăng ít nhất 3 lần ở chiều đông khách (tính toán một cách cơ học, nếu tăng giá gấp đôi ở chiều đông khách có thể bù lỗ hoàn toàn cho chiều rỗng). Điều đó cho thấy, các hãng hàng không chỉ dừng lại ở việc bù lỗ cho chiều về.
Không chỉ giá vé tăng, hiện tại để mua được vé bay Tết ở những chặng cao điểm không phải dễ. Cũng ở chặng bay cao điểm từ TP HCM đi Hà Nội ngày 26 Tết nêu trên, Vietnam Airlines có toàn bộ 28 chuyến bay. Tuy nhiên, 23 chuyến bay đã hết vé hạng phổ thông, chỉ còn vé hạng thương gia (6,6 triệu đồng). Hiện khách chỉ có thể mua vé phổ thông ở các chuyến bay muộn hoặc khởi hành lúc 2-3 giờ sáng.
Đường sắt khan vé, tính phương án nối toa
Trong khi đó, tình hình vé đường sắt cũng đã hết sức căng thẳng. Cũng chiều ngày 20/12, hệ thống bán vé của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam báo chặng TP HCM đi Hà Nội vào ngày 10/2/2018 (tức 25 Tết), gần như toàn bộ các chỗ đã báo đỏ (vé đã bán). Chỉ còn một số chỗ báo đang trống nhưng hầu hết đều không thể giao dịch vì thuộc diện vé “chỗ xử lý sự cố”, “vé nghiệp vụ”. Với số vé ít ỏi còn trống hoặc đang giao dịch, mức giá cũng không rẻ, vé ngồi mềm hay nằm đều ở mức xấp xỉ 2 triệu đồng.
Trong khi đó, chiều ngược lại, cùng ngày cao điểm nêu trên, hầu hết các đoàn tàu đều báo trống chỗ. Vé chiều này cũng được hệ thống của ngành đường sắt báo giảm 30% so với ngày thường, với mức giá vé giường nằm giao động từ 1 đến 1,3 triệu đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó GĐ Cty Đường sắt Hà Nội cho hay, trong cáo điểm Tết, công ty khai thác 15 đoàn tàu/ngày, tăng gấp 3 lần ngày thường. Hiện tại, tính trên toàn mạng, công ty đã bán được hơn 50% số lượng vé Tết. Với tình trạng khan vé trên những tuyến cao điểm, bà Hà cho hay, công ty đã lên phương án nối thêm các toa tàu hết chỗ, mỗi toa thêm 80 chỗ. Bà Hà cũng thông báo, công ty đã đặt đóng 30 toa tàu mới, hiện đại và sẽ đưa vào phục vụ trước dịp Tết này.
“Về giá bán, chúng tôi đã công bố và thực hiện bán cách đây hơn 1 tháng và sẽ không tăng giá trong những ngày tới. Còn việc tăng giá là bất khả kháng vì tàu chạy chiều từ Bắc vào Nam trước Tết và từ Nam ra Bắc sau Tết vắng khách. Nếu không tăng giá không đảm bảo doanh thu. Mức tăng như chúng tôi thông báo cũng chủ yếu nhằm mục tiêu phục vụ khách dịp Tết, không đặt nặng về mục tiêu kinh doanh” – bà Hà nói.
Ông Đoàn Duy Hoạch – Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, sẽ lên phương án tăng tải cung ứng, trong đó có việc đưa 6 đoàn tàu theo công nghệ mới phục vụ dịp Tết trên tuyến đường sắt thống nhất. Ông Hoạch cũng cho hay, một trong những nhiệm vụ quan trọng là đảm báo ATGT chạy tàu trong dịp Tết. Cụ thể, ĐSVN chủ động rà soát các điểm mất ATGT, nhất là điểm bị ảnh hưởng do mua bão, lũ lụt; các điểm khác tổ chức thu dọn công trường; ĐSVN cũng chỉ đạo các đơn vị trực chốt tại 400 điểm trong dịp Tết, tại các đường ngang tổ chức lắp cảnh báo tự động, có rào chắn; tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân được thuận tiện, đảm bảo ATGT, trật tự xã hội trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân năm 2018, Thủ tưởng Chính phủ đã có Công điện số chỉ đạo, Bộ GTVT đã có Công điện hỏa tốc chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Về giá vé, ông Thọ chỉ đạo các đơn vị vận tải trong ngành, các cơ quan quản lý, giám sát đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử, niêm yết công khai giá vé, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các đơn vị vận tải chèn ép, sang nhượng hành khách, tăng giá vé trái quy định. Ông Thọ cũng chỉ đạo không để xảy ra tình trạng hành khách không kịp đón Tết cùng gia đình do thiếu phương tiện vận chuyển. Ông Thọ cũng chỉ đạo, các cơ quan chức năng sớm cung cấp, phổ biến số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh khi gặp sự cố.
Vé xe khách sẽ tăng từ 20-60%
Hiện tại, các đơn vị vận tải hành khách đường bộ chưa triển khai bán vé Tết. Tuy nhiên, theo dự báo của các bến xe trên địa bàn TP HCM, vé xe khách sẽ tăng giá khoảng 20-60% so với ngày thường. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay Tổng cục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác vận tải, bảo đảm trật tự ATGT đặc biệt là việc cung cấp số điện thoại đường dây nóng để khách hàng phản ánh đến cơ quan chức năng và đơn vị vận tải. Ngoài ra, theo bà Hiền, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra tại các trạm thu phí BOT, để đảm bảo trong quá trình thu phí, tránh hiện tượng phức tạp diễn ra.
Chủ tịch Đường sắt: Giảm giá vé tàu, cạnh tranh với máy bay