Di dân khu vực xây sân bay Long Thành: Thanh niên 20 tuổi có thể bố trí làm công nhân nhà máy, nhưng người 35 tuổi thì sao xin được việc?

18.000 tỉ đồng kinh phí sẽ bổ sung từ đâu?

Sáng nay, tại phiên họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng bộ giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã trình Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành lên Quốc hội. Điểm đáng chú ý trong báo cáo lần này là trong tổng kinh phí trên 23 nghìn tỉ đồng thực hiện giải phóng hơn 5,5 nghìn ha đất, ngân sách sẽ chỉ thông qua hơn 5.000 tỉ đồng. 18.000 tỉ đồng còn lại sẽ phải tìm kiếm những nguồn bổ sung, hỗ trợ khác.

Ông Hồ Văn Nam, đại biểu QH tỉnh Đồng Nai, nơi thực hiện dự án sân bay Long Thành đánh giá, trên 5.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách chưa thể đáp ứng được việc triển khai dự án. Phần chi còn lại được ghi là giao cho địa phương, nhưng hiện tại địa phương cũng chưa có phương án nào

“Trước hết, muốn thu hồi đất được thì chúng ta sẽ phải có khu tái định cư. Khu tái định cư theo dự toán thì đã trên 4.000 tỉ đồng. Ngân sách ứng trước 5.000 tỉ đồng thì chỉ còn dư vài trăm tỉ, trong khi kinh phí thu hồi đất là trên chục nghìn tỉ. Như vậy chúng ta phải tính toán lại nguồn. Đặt điều kiện Đồng Nai không có nguồn kinh phí để ứng thì chúng ta sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?”, đại biểu Nam đặt câu hỏi.

Hiện tại, Chính phủ cũng đề xuất các cơ chế đặc thù của Dự án như về vốn ngân sách bố trí cho Dự án. Việc triển khai giải phóng sẽ mặt bằng sẽ theo cơ chế 1 lần để đảm bảo tính công bằng.

Vấn đề khác được đại biểu quan tâm đó là khi tiền nhận đền bù giải phóng mặt bằng không đủ để người dân mua nhà ở tái định cơ. “Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ mua một suất nhà tái định cư rồi, nhưng mức chênh lệch vẫn là rất lớn. Giá bồi thường tính theo giá của Nhà nước nhưng theo khảo sát thì giá Nhà nước và giá thực tế chênh nhau rất lớn, trên 50%. Phải làm sao để người dân hiểu được thì mới thu hồi đất được triệt để, nếu không thì trong khu vực 15.000 nhân khẩu, sẽ dễ xảy ra điểm nóng”, ông Nam đánh giá.

Thanh niên 20 tuổi có thể bố trí làm công nhân nhà máy, nhưng người 35 tuổi thì sao xin được việc?

Bên cạnh vấn đề ngân sách cho dự án, nhiều vấn đề liên quan đến những người dân sống trong vùng giải phóng mặt bằng cũng được quan tâm. Các đại biểu đều nhấn mạnh, đa phần người dân sống tại Long Thành đều làm nông, nếu không được xử lý đồng bộ thì việc bố trí việc làm sẽ rất khó khăn, đặc biệt là những người không phải ở độ tuổi thanh niên.

Đại biểu Bùi Xuân Thông của tỉnh Đồng Nai đề xuất cho vào làm ngay trong các khu dịch vụ thuộc sân bay Long Thành. Ông Thông cho biết, đa phần các doanh nghiệp nước ngoài không muốn nhận những lao động đã lớn tuổi.

“Ví dụ lao động 20 tuổi chỉ cần đào tạo 3 tháng thôi là làm được việc, mức lương phải trả cũng khác so với người 35 tuổi. Nếu đi vào khu công nghiệp thì người có độ tuổi cao rồi vào sẽ càng khó được nhận. Đất nông nghiệp cũng không còn, những người đó sẽ khó có việc làm. Theo tôi, phải có khảo sát về nhu cầu của DN, cố gắng tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này có việc làm”, ông Thông cho biết.

Còn theo ông Nam, số lượng người quá độ tuổi lao động cũng rất cao. Đây là nhóm đối tượng gắn chặt với đời sống nông nghiệp, vì vậy, ông cho rằng việc kế hoạch bố trí tái định cư hạn chế xây nhà vườn có thể không phù hợp với đặc thù nông thôn của các hộ dân đang sinh sống tại Long Thành.

“Nông thôn thì nhà phải gắn liền với miếng đất nuôi gà, trồng rau, trong khi nhà tái định cư lại không đúng nhu cầu, không gian của người ở nông thôn. Theo tôi nên mở rộng khu tái định cư, tránh chuyện không có việc làm thì nhàn cư vi bất thiện, gây mất trật tự xã hội”, ông Nam đánh giá.

18 nghìn tỷ cần thêm để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

Bài viết mới