Đề xuất về trường hợp phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam

NHNN cho biết, qua nghiên cứu quy định của một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, hầu hết các quốc gia này không có quy định cụ thể về phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài như pháp luật Việt Nam, mà chỉ có một số quy định chú trọng công tác thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro để hạn chế tối đa các tổn thất có thể xảy ra.

Nguyên tắc thực hiện việc phong tỏa, chấm dứt phong toả vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài là nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tránh trường hợp tẩu tán tài sản ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Các trường hợp phong tỏa vốn và tài sản

Theo đề xuất trong dự thảo, qua công tác thanh tra, giám sát, và/hoặc thông tin nhận được từ cơ quan có thẩm quyền nước nguyên xứ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước quyết định việc phong tỏa một phần hoặc toàn bộ vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi:

– Giá trị thực của vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị giảm thấp hơn vốn pháp định liên tục quá thời gian 6 tháng.

– Chi nhánh ngân hàng nước ngoài vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.

– Vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu khắc phục nhưng không có biện pháp khắc phục theo đúng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

– Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu nhưng Ngân hàng mẹ không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh hoạt động tại Việt Nam.

– Có thông tin về việc Ngân hàng mẹ có dấu hiệu mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán; hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, hoặc có yêu cầu phải giải thể, thanh lý, phá sản, hoặc bị rút giấy phép thành lập và hoạt động.

Chấm dứt phong tỏa vốn, tài sản

Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi:

– Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khắc phục được các vi phạm, tồn tại nêu tại Khoản 1, 2, 3 Điều 5 Thông tư này.

– Cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước hủy bỏ biện pháp phong tỏa vốn và tài sản hoặc thông báo Ngân hàng mẹ đã khắc phục được các tồn tại nêu tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư này.

– Ngân hàng mẹ đã thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Phá sản ngân hàng: Cần có cái nhìn tích cực hơn

Bài viết mới