Đề xuất thanh toán cho nhà đầu tư đường trên cao Vành đai 2 bằng quỹ đất hơn 500ha

Cụ thể, Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 nối cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở và mở rộng theo quy hoạch phần đi dưới thấp từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng).

Trong phần ý kiến, Bộ KH – ĐT cho biết dự án thành phần trên cao đã được UBND TP Hà Nội tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup thông qua quy trình chỉ định thầu và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư.

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, đến nay, trong bối cảnh gộp 2 dự án thành phần, việc dánh giá bổ sung năng lực kinh nghiệm, tài chính của nhà đầu tư là phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch trong đấu thầu, Bộ KH-ĐT đề nghị UBND TP Hà Nội bổ sung bước lập, thẩm định và phê duyệt các tiêu chí đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư trên cơ sơ quy mô, tính chất và điều kiện của dự án sau khi điều chỉnh.

Đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã tư Sở

Đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy – Ngã tư Sở

Về quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư để hoán đổi thực hiện dự án này, văn bản của Bộ KH-ĐT cho biết, theo UBND Thành phố Hà Nội, các quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư có vị trí và giá trị cụ thể như sau:

Quỹ đất 96 ha trong quy hoạch chi tiết khu đô thị Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội tỷ lệ 1/500 tại các phường Việt Hưng, Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt giá trị đất cụ thể với tổng tiền sử dụng đất là hơn 9.067 tỷ đồng; trong đó tổng chi phí giải phóng mặt bằng của dự án được nhà đầu tư ứng trước là 1.717 tỷ. Như vậy số tiền sử dụng đất của dự án được xác định là hơn 7.350 tỷ đồng.

Quỹ đất 130 ha nằm trong quy hoạch phân khu đô thị S1, tỷ lệ 1/5.000 thuộc địa giới hành chính các xã: Tân Hội, Liên Trung huyện Đan Phượng, Hà Nội đang được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội tạm tính: Tổng tiền sử dụng đất là gần 1.972 tỷ đồng, trong đó tổng chi phí giải phóng mặt bằng của dự án đã được nhà đầu tư ứng trước là 1.300 tỷ. Như vậy, số tiền sử dụng đất của dự án được tạm tính là gần 672 tỷ đồng.

Theo đó, tổng giá trị 2 quỹ đất nêu trên theo tính toán của UBND thành phố Hà Nội là hơn 8.022 tỷ đồng. Hai quỹ đất này được UBND thành phố Hà Nội cân đối, bố trí để thanh toán cho Tập đoàn Vingroup khi thực hiện dự án trên cao với tổng mức đầu tư là hơn 5.643 tỷ đồng.

Đến nay, sau khi gộp dự án trên cao và dự án dưới thấp, theo tính toán của UBND Thành phố Hà Nội, tổng mức đầu tư của công trình Dự án là hơn 8.375 nghìn tỷ. Như vậy, giá trị 2 quỹ đất nêu trên đã cơ bản đủ để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện toàn bộ dự án, còn thiếu khoảng hơn 355 tỷ.

Đối với phần còn thiếu, UBND thành phố Hà Nội dự kiến bổ sung quỹ đất 291 ha ngoài đê sông Đuống tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm để thanh toán cho nhà đầu tư.

Huyện Đan Phượng TP Hà Nội

Huyện Đan Phượng TP Hà Nội

Ngoài quỹ đất đã có quyết định giao đất, các giá trị bao gồm giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất còn lại đều là tạm tính. Trong quá trình thực hiện tiếp theo, đề nghị UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ giá trị quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư trên cơ sở ngang giá với giá trị BT đã lập phù hợp với giá thị trường, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ KH- ĐT cho rằng đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn, sử dụng nhiều nguồn lực quốc gia là đất đai (dự kiến tổng cộng 517ha) để đối ứng cho nhà đầu tư.

Do vậy, để đảm bảo thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH – ĐT tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội trong trường hợp cần thiết xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường khi tiến hành thanh quyết toán công trình, đảm bảo tính chính xác của việc sử dụng nguồn lực đất đai khi giao đất cho nhà đầu tư.

Cũng theo Bộ KH-ĐT, do đây là dự án do nhà đầu tư đề xuất, nên Bộ KH-ĐT đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp với các bên có liên quan để xác định chính xác tổng mức đầu tư, đảm bảo công trình đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả đầu tư. Trong trường hợp cần thiết đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định lại suất đầu tư dự án.

Đồng thời, UBND TP Hà Nội phải kiểm soát chặt chẽ tổng mức đầu tư dự án trong quá trình đầu tư, xây dựng. Trong quá trình quyết toán công trình, giá trị dự án BT được quyết toán không bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh, trượt giá.

Bài viết mới