Sau khi công bố đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng ( VAT ), Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc lấy ý kiến trực tiếp của chuyên gia tại trụ sở Bộ vào cuối tuần qua với khoảng 10 chuyên gia kinh tế được mời dự. Theo nguồn tin của BizLIVE, sau khi Bộ Tài chính đưa ra các lập luận, phần lớn các chuyên gia đều chưa ủng hộ đề xuất tăng thuế này, chỉ một chuyên gia ủng hộ.
“Bộ Tài chính chưa thực sự muốn nghe ý kiến chuyên gia”
Được mời đến cuộc họp của Bộ Tài chính, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết ý kiến cá nhân ông là Bộ Tài chính chưa thực sự muốn nghe ý kiến của từng chuyên gia.
“Từ những lý lẽ của Bộ Tài chính đưa ra, tôi nói thẳng là chưa thuyết phục, với 1 đổi mới, cải cách lớn như vậy nhưng đề án Bộ Tài chính gửi cho chuyên gia sơ sài”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, lý lẽ tăng thuế giá trị gia tăng được Bộ Tài chính đưa ra chưa thuyết phục vì cho rằng nợ công, bội chi ngân sách tăng cao, thuế nhập khẩu giảm, xu thế các nước đánh thuế gián thu hơn trực thu, và thuế thu nhập cá nhân có xu hướng giảm…
“Thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người dân. Khi người dân đóng thuế ngoài chuyện nộp còn phải thấy chi tiêu như thế nào, bội chi tăng, nền tài chính thiếu lành mạnh. Giao cho Bộ Tài chính việc này như quả táo vừa to vừa chua, giải quyết bên thu không được, cần phải giải quyết cả bên chi”, ông Long ví von.
Cũng theo ông Long, Bộ Tài chính cần có trách nhiệm kiểm tra kiểm soát, không phải do thu thuế thấp mà do đầu tư kém hiệu quả, có tình trạng thất thoát vốn đầu tư. “Chỉ giải quyết thu, không giải quyết chi, tăng thuế không giải quyết được vấn đề”, ông Long nhấn mạnh.
Ông Long cho biết thêm rằng, Bộ Tài chính nói thuế giá trị gia tăng hiện nay thấp nhưng số liệu dẫn ra cho thấy, thuế suất như hiện nay không hề thấp và thu từ thuế giá trị gia tăng trong thu ngân sách vẫn cao hơn so với các nước, mức này 27,3%.
Vị chuyên gia cũng cho biết, đề xuất tăng thuế cũng tạo áp lực lớn cho toàn xã hội trong đó người nghèo chịu áp lực lớn hơn, khi thu nhập của họ phần lớn dành cho chi tiêu.
“Chưa thể đồng tình vì chưa được thuyết phục”
Là một trong số chuyên gia được mời dự lấy ý kiến, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, phần lớn các chuyên gia đều dè dặt và trong đó có ông. “Tôi chưa ủng hộ đề xuất tăng VAT từ 10% lên 12% vì tôi chưa thuyết phục bởi những luận chứng mà Bộ Tài chính đưa ra”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, Bộ Tài chính đã đưa ra những thống kê cho thấy VAT so với thế giới và các nước xung quanh thấp, dẫn chứng châu Âu thuế VAT lên 20%.
“So sánh như vậy khập khiễng. Ví dụ, ở Mỹ không có thuế giá trị gia tăng mà có sale tax, sale tax đánh vào người tiêu thụ cuối cùng, sale tax từ 5-10% còn thuế giá trị gia tăng của Việt Nam là đánh vào người mua sản phẩm từ đơn vị trước đó, nên trong tiến trình sản xuất và bán hàng, từ đơn vị 1 đến đơn vị 3,4 các đơn vị sau phải trả thêm thuế giá trị gia tăng và cứ thế cho đến người tiêu thụ cuối cùng sẽ phải trả thuế giá trị gia tăng 10% nên cộng dồn lại có thể cao hơn nhiều so với sale tax bên Mỹ”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu cũng đề cập vấn đề thu nhập của người dân Việt Nam với mức khoảng 2.200 USD/năm/người và có người chỉ thu nhập 50-100 USD/năm, nên mức tăng thêm 2% sẽ là rất nhiều đối với người có thu nhập thấp.
“Việc tăng thuế có tác động rất lớn đối với người dân Việt Nam. Tôi kỳ vọng Bộ Tài chính có nghiên cứu cụ thể hơn, trong nghiên cứu có 2 phần tác động ngân sách và tác động người dân, hai đối tượng có những mong muốn ngược chiều nhau”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, Bộ Tài chính chưa đưa ra số liệu cụ thể tác động ngân sách sau khi tăng thuế, VAT đánh từng công đoạn từ lúc sản xuất đến tay người tiêu dùng và tính toán này là không hề dễ dàng. “Ước tính ngân sách có thể thu thêm 59.000 tỷ đồng của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đưa ra mới đây cũng chỉ là con số tham khảo”, ông Hiếu nói.