Đề xuất tăng thuế VAT: Dân phản ứng “mạnh mẽ” vì sao?

Tại Hội thảo Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 14/9, chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan đã đặt ra nhiều vấn đề cần cơ quan soạn thảo giải đáp liên quan đến đánh giá tác động của VAT đối với ngân sách, đối với doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, bà Lan đặt vấn đề, rõ ràng tăng thuế giá trị gia tăng nhằm tăng thu ngân sách nhưng tăng thu có bền vững hay không, khía cạnh tác động tới doanh nghiệp, người dân, có đề cập và lường hết hay không? Thu thuế, ngành nào ảnh hưởng nhiều nhất, điều chỉnh các ngành có phù hợp, theo chương trình tái cơ cấu, khuyến khích ngành nọ không khuyến khích ngành kia có được phản ánh…

Bà Lan nhấn mạnh rằng, việc đánh giá tác động cần 2 chiều, nếu chỉ bên thu đưa ra đánh giá tác động e là không khách quan.

“Vấn đề chi tiêu ngân sách một cách bền vững như nào cũng phải đặt ra, vấn đề lớn nhất tạo thâm hụt ngân sách là do đầu tư bất hợp lý, nhà nước không quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực lớn mà nhà nước nắm trong tay cả trực tiếp và qua doanh nghiệp nhà nước”, bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, tính thống nhất của hệ thống còn một số chưa tính vào khi tới đây có sửa tiếp 5 Luật thuế còn lại, việc 2 lần sửa có đảm bảo thống nhất hay không, nếu tách riêng ra sẽ rất khó.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng cho biết, cần thống nhất các chi phí đầu vào, gánh nặng hành chính cộng vào sẽ là “ghê gớm” với doanh nghiệp và người dân. “Cơ quan nhà nước nhất là gắn với “túi tiền” như Bộ Tài chính cần tính toán kỹ lưỡng hơn, đáng nhẽ Bộ Tài chính cần kiểm soát cả thu, cả chi vì rốt cục gánh nặng đặt lên người nộp thuế, không công bằng với doanh nghiệp, với người dân”, bà Lan cho biết thêm.

Cùng đặt vấn đề thu, chi ngân sách, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết, vấn đề an ninh quốc gia nằm ở chi ngân sách, gây thâm hụt ngân sách, vì thế muốn bù đắp ngân sách bằng cách tăng thu sẽ tăng tới bao giờ?

“Ta đề xuất tăng cái này giảm cái kia thấy phản ứng người dân mạnh mẽ. Tôi nghĩ tâm lý mạnh mẽ do không biết tăng thế này thì còn tăng thế nào nữa trong tương lai, có tiền lệ rồi nên cần thận trọng trong quyết định”, ông Thành nêu quan điểm.

Tại hội thảo, đơn vị đại diện người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, thuế giá trị gia tăng không phân biệt ai, người có thu nhập cao hay thấp nhất mà là người mua hàng hoá dùng dịch vụ có thuế giá trị gia tăng.

Ông Hùng cho rằng, thuế giá trị gia tăng có tính chất kinh tế xã hội, mỗi nước khác nhau, việc cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đưa ra so sánh với các nước phải trên cơ sở cùng mẫu số như thu nhập bình quân đầu người hay tỷ lệ thu từ thuế giá trị gia tăng chiếu bao nhiêu thu ngân sách.

Theo đó, ông Hùng cho biết, cần có báo cáo tác động của dự thảo đối với người tiêu dùng, cần cân nhắc kỹ việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng, khi mức thu nhập của người dân được cải thiện mới đặt vấn đề tăng thuế giá trị gia tăng

“Đi đôi với tăng nguồn thu cần giám sát phần chi ra, nợ công lớn như vậy. quản lý chặt chẽ phần chi của các cơ quan nhà nước, đảm bảo tiết kiệm chi tiêu tránh lãng phí”, ông Hùng bổ sung.

Trước đó, Bộ Tài chính đã trình dự thảo, đề xuất việc tăng thuế giá trị gia tăng từ mức thông thường 10% lên 12%; mức 5% đang áp dụng cho một số nhóm hàng hoá, dịch vụ lên mức 10% và từ không chịu thuế VAT lên chịu thuế VAT với một số nhóm như phân bón, máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp…

Dự thảo sau khi được công bố nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đánh giá đầy đủ tác động tăng thu ngân sách, tác động đến doanh nghiệp, người dân đặc biệt người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, phía Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định, tăng VAT không ảnh hưởng đến người nghèo .

Bộ Tài chính vẫn bảo lưu tăng thuế VAT, chỉ giảm một số phí cho doanh nghiệp

Bài viết mới