Vẫn tăng VAT mỗi năm thêm 1%
Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, bộ này vừa chuyển Bộ Tư pháp thẩm định Dự thảo Luật sửa đổi các luật về thuế trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm 2018 này. Dự thảo mới đã có chỉnh sửa, bổ sung, giải trình thêm một số nội dung sau khi Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, chuyên gia và người dân.
Theo đó, đáng chú ý là đề xuất tăng thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% và tăng theo lộ trình, mỗi năm tăng thêm 1% cho tới khi bằng 12%. Cùng đó, ngoài sửa đổi đồng thời 5 luật về thuế (Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên), Bộ Tài chính trình bổ sung sửa đổi Luật thuế xuất – nhập khẩu.
Liên quan tới đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên gấp đôi hiện hành (với xăng tối đa 8.000 đồng/lít), theo tin từ Bộ Tài chính, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, bộ này đang nghiên cứu bổ sung thêm một số mặt hàng vào dự thảo Luật sửa đổi các luật thuế.
Theo một thành viên được Bộ Tư pháp mời tham gia Tổ thẩm định dự thảo các luật về thuế trên, hầu hết các đề xuất về mức thuế và hàng hóa chịu thuế trong dự thảo vẫn được Bộ Tài chính bảo lưu. Đặc biệt, các nội dung sửa đổi thuế gây nhiều tranh cãi, trong đó có nhiều chuyên gia không đồng tình Bộ Tài chính vẫn giữ lại, như: Đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%; đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt; đánh thuế thu nhập với lãi suất tiền gửi tiết kiệm; phân chia khung thuế thu nhập cá nhân…
Ngoài ra, theo thành viên Tổ thẩm định, các đánh giá tác động về sửa đổi sắc thuế với ngân sách và xã hội vẫn chưa được Bộ Tài chính đưa ra đầy đủ, cụ thể là: Tác động của tăng các sắc thuế giúp tăng thu ngân sách bao nhiêu, giảm một số loại thuế làm hụt thu ngân sách ra sao?; Tác động của các thay đổi thuế tới sản xuất, tiêu dùng và nền kinh tế?… Dù khác thông lệ, trong lần xây dựng dự thảo sửa đổi các luật thuế trên, Bộ Tài chính tổ chức riêng một cuộc gặp với các chuyên gia kinh tế hàng đầu để lắng nghe ý kiến. Dù rằng cuộc gặp đó chỉ diễn ra khoảng 2 tiếng và Bộ Tài chính trình bày chiếm tới 2/3 thời gian.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính tăng thuế VAT 2% đồng thời loại một số sản phẩm, hàng hóa khỏi nhóm ưu đãi thuế VAT (như nước sinh hoạt, một số máy móc thiết bị y tế, giáo dục…) và đánh thuế VAT với hoạt động chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất; Tăng thuế với dòng xe bán tải; Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, thuốc lá; Sửa đổi lại khung thuế thu nhập cá nhân; Tăng thuế và chia thang bậc với thuế thu nhập cá nhân của người trúng thưởng…
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tiếp tục tăng khung thuế môi trường với xăng dầu và đã có phiên giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đang nghiên cứu để có thể đánh thuế tài sản trong năm 2018.
Bội chi lớn, thất thu nhiều nhưng không thể không tăng thuế nội địa?
Theo Bộ Tài chính, hiện nay Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn từ nay tới năm 2020. Việc thực hiện các cam kết FTA khiến hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, làm nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng. Cụ thể, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu do giảm thuế nhập khẩu trong năm 2018 khoảng 30.150 tỷ đồng; năm 2019 hụt thu khoảng 36.340 tỷ đồng; năm 2020 hụt thu 43.965 tỷ đồng. Ngoài ra, thuế suất bình quân của toàn bộ hàng hóa nhập khẩu cũng giảm dần hằng năm theo lộ trình: Năm 2015 giảm còn bình quân 4,75%, năm 2016 còn 3,74%, và năm 2018 giảm còn 2,98%.
Nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu giảm là một trong các lý do Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng hàng loạt sắc thuế và bổ sung nhóm hàng hóa chịu thuế. Ngoài ra, theo Bộ Tài chính việc tăng các loại thuế gián thu cũng bởi bội chi lớn, nợ công tăng cao.
Chỉ cần Bộ Tài chính thu hồi được số nợ thuế có khả năng thu hồi và chống thất thu hiệu quả, số hụt thu từ giảm thuế xuất nhập khẩu sẽ được bù đắp, chưa thực sự cần tới tăng thuế.
Theo Báo cáo chi – tiêu công Việt Nam (Ngân hàng Thế giới – WB công bố), giai đoạn 2011-2015, bội chi ngân sách bình quân 5,6% GDP/năm. Hệ quả, nợ công tăng mạnh từ 51,7% GDP năm 2010 lên 61% GDP năm 2015. Trong đó, nợ Chính phủ hơn 54,6 tỷ USD (tương đương hơn 1,19 triệu tỷ đồng), nợ Chính phủ bảo lãnh hơn 9,4 tỷ USD (tương đương hơn 207,45 nghìn tỷ đồng); nợ chính quyền địa phương hơn 3,3 tỷ USD (tương đương hơn 73,6 nghìn tỷ đồng). Trong đó, phân nửa số nợ vay trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới, tức ngân sách nhà nước sẽ phải dành ra hơn 738 nghìn tỷ đồng (trên 33,6 tỷ USD) để trả (chưa kể các khoản vay nước ngoài tới hạn).
Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, năm 2017, ngân sách đã chi 147,6 nghìn tỷ đồng trả nợ gốc tới hạn và chi 91 nghìn tỷ đồng trả nợ lãi.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước khi Bộ Tài chính nghĩ tới “lựa chọn dễ thực hiện” là tăng thuế để bù hụt thu, trước tiên bộ này nên có giải pháp hiệu quả thu hồi nợ thuế, chống thất thu, trốn thuế, “chia chác” thuế… Chỉ tính tới tháng 5/2017, tổng số tiền nợ thuế đã lên tới 75.534 tỷ đồng (gấp đôi số hụt thu do giảm thuế nhập khẩu trong năm 2018), đó là chưa tính tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại. Tổng số nợ thuế này bằng 6,2% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, số tiền thuế nợ trên 90 ngày (có khả năng thu hồi) là 48.207 tỷ đồng (bằng 4% tổng thu ngân sách nhà nước).
Ở khâu chống thất thu, riêng 11 tháng đầu năm 2017, qua thanh kiểm tra thuế, các cơ quan thuộc Bộ Tài chính đã tăng thu cho ngân sách hơn 16.300 tỷ đồng, giảm số chi hoàn thuế từ ngân sách 400 tỷ đồng… Thực tế này cho thấy, chỉ cần Bộ Tài chính thu hồi được số nợ thuế có khả năng thu hồi và chống thất thu hiệu quả, số hụt thu từ giảm thuế xuất nhập khẩu sẽ được bù đắp, chưa thực sự cần tới tăng thuế.