Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo sáng 6/11 lấy ý kiến một số bộ, ngành, tổng công ty, tập đoàn nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương trong các doanh nghiệp Nhà nước.
Trong tài liệu phục vụ hội thảo, đánh giá về chính sách tiền lương hiện hành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, việc quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương cần được xem xét, đánh giá để điều chỉnh. Nhất là quy định về khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5%, hay quy định mức lương lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đã ảnh hưởng đến cấu trúc thang bảng lương của doanh nghiệp.
Đối với người quản lý doanh nghiệp Nhà nước, bảng lương do Nhà nước quy định theo quan hệ tiền lương khu vực hành chính (hệ số cao nhất của chủ tịch tập đoàn kinh tế chỉ là 9,1 nhân mức lương cơ sở). Trong khi đó, người lao động lại theo thang bảng lương do doanh nghiệp xây dựng (dựa trên mức lương tối thiểu vùng) dẫn tới trong cùng một doanh nghiệp, tiền lương để tính bảo hiểm xã hội, lương hưu của người lao động có thể cao hơn người quản lý.
Vì thế dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sẽ “ép” tiền lương của người lao động để đảm bảo tương quan chung.
Không những thế, với chính sách lương hiện hành thì tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước quy định chung gắn năng suất, lợi nhuận mà chưa phân biệt được lợi thế ngành nghề, nguồn lực nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp dẫn đến tiền lương của người lao động có sự chênh lệch khá lớn giữa các doanh nghiệp ở ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau, hưởng mức lương cao không hoàn toàn do năng suất lao động tạo ra.
Ví dụ: Người lao động ở các công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, chế biến công nghiệp, thương mại, dịch vụ thì lương chỉ 9,5-11 triệu đồng/tháng, trong khi ngành viễn thông, quản lý bay khoảng 20-30 triệu đồng/tháng, ngành ngân hàng, tài chính 19-21,5 triệu đồng/tháng.
Người quản lý ở các công ty mẹ, tập đoàn hoạt động trong ngành sản xuất, chế biến chỉ 38-50 triệu, trong khi ngành viễn thông khoảng 57- 80 triệu/tháng, ngành ngân hàng 94-115 triệu đồng/tháng…
“Tiền lương, tiền thưởng với viên chức quản lý dù đã được điều chỉnh nhưng vẫn còn thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với các chức danh quản lý tương đương trên thị trường nên chưa tạo động lực cho những người quản lý giỏi, doanh nghiệp hiệu quả cao, dẫn đến khó thuê tổng giám đốc, giám đốc.
Một số trường hợp doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ nhưng vẫn đưa ra nhiều lý do khách quan, viên chức quản lý vẫn hưởng mức lương cao vài chục triệu đồng một tháng, gây bức xúc dư luận”, tài liệu nêu rõ.
Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất giao quyền cho doanh nghiệp Nhà nước tự xây dựng thang, bảng lương đối với người quản lý (tách bạch với công chức, viên chức) để đảm bảo cân đối hợp lý với mức lương của người lao động trong từng doanh nghiệp.
Đồng thời, đề nghị tiếp tục quy định mức lương cơ bản đối với người quản lý theo hạng, nhưng thu hẹp từ 6 hạng xuống còn 4 hạng; điều chỉnh mức lương cơ bản từ 16 triệu đồng (thấp nhất) – 36 triệu đồng/tháng (cao nhất) lên mức 20 – 50 triệu đồng/tháng…
Về lộ trình thực hiện, năm 2018-2019, bộ sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật lao động. Trong đó sửa đổi, bỏ quy định Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương trong doanh nghiệp nhà nước.
Tại cuộc họp, đại diện một số doanh nghiệp như VietinBank, Agribank, Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam… đều cho rằng việc quy định các doanh nghiệp Nhà nước tự xây dựng thang bảng lương đối với người lao động, người quản lý là hợp lý.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định mức trần lương cơ sở 50 triệu đồng đối với người quản lý, mà cần mở rộng, nâng cao vì không thể “cào bằng” lương người quản lý một doanh nghiệp có đến hang chục ngàn lao động, lợi nhuận trên dưới 10.000 tỷ đồng với một doanh nghiệp lao động ít, lợi nhuận chỉ 1.000-2.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, cuộc họp chỉ mang tính chất thu thập thông tin, ghi nhận các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp nhằm giúp bộ có những chuẩn bị tốt nhất cho việc xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước.