Đề xuất sáp nhập để giảm 10 tỉnh: “Chưa thuyết phục!”

Bàn về cải cách bộ máy hành chính tại kỳ họp Quốc hội lần này, có một số ý kiến đề xuất sáp nhập để giảm khoảng 10 tỉnh so với hiện nay.

“Chứng cứ mà chúng ta có, là việc tách tỉnh không phải là xấu, trong khi nói nhập lại vào thời điểm này, thì chưa thấy có chứng cứ nào cho thấy việc sáp nhập sẽ tốt cả”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm trong cuộc trao đổi với VnEconomy.

Ông Dũng nói:

– Thực tế trong lịch sử chúng ta đã có thời gian từng nhập các tỉnh rồi, khi đó cả nước chỉ còn có 40 tỉnh.

Nhưng sau đó chúng ta cũng nhận thấy việc này không ổn, các tỉnh được “lắp ghép” không hoà nhập được vì khả năng quản lý trên địa bàn rộng như vậy rất khó khăn. Vì thế mà, chúng ta lại tách.

Bây giờ nói lại chuyện nhập tách, trả lời câu hỏi nên hay không thì cần có các chứng cứ. Vừa qua, chứng cứ đáng giá chúng ta có, là nhập vào không ổn khiến các tỉnh sau ghép nhập trì trệ, khả năng quản lý hay truyền thống văn hoá… không dung hoà được.

Ví dụ như Nghệ An – Hà Tĩnh, gần gũi vậy mà vẫn không giải quyết được. Khó khăn được xác định khi đó là giữa những người lãnh đạo Nghệ An và Hà Tĩnh không tính toán, cân đối được nhiều vấn đề mà nó đưa đẩy tới bế tắc.

Sau khi tách trở lại thì có vẻ như các tỉnh đều phát triển hơn. Vậy thì, chứng cứ mà chúng ta có, là việc tách tỉnh không phải là xấu, trong khi nói nhập lại vào thời điểm này, thì chưa thấy có chứng cứ nào cho thấy việc sáp nhập sẽ tốt cả.

Muốn hay không, vẫn dễ có “phe”

Nhưng cũng có kiến giải rằng tình hình hiện nay đã khác, giờ công nghệ phát triển nhiều, nhất là công nghệ thông tin giúp việc liên lạc, kết nối tốt hơn, giúp một người có thể quản lý cả địa bàn rộng lớn hơn nhiều, thưa ông?

Cũng có khả năng việc quản lý giờ có thể dễ hơn và như vậy không nhất thiết lãnh đạo phải xuống cơ sở mà với các công cụ khác có thể thực hiện được điều đó. Như vậy thì cũng có cơ sở để xem xét việc nhập.

Một lập luận khác tôi cũng nghe là về xu hướng của kinh tế nói chung hiện nay là quy mô không gian kinh tế càng lớn hiệu quả kinh tế càng cao. Đó cũng có thể là một lập luận nữa.

Nhưng nếu nghĩ như vậy, thì cũng phải xem xét tới việc cân đối với những khó khăn sẽ gặp phải, để xem mặt nào lớn hơn.

Trước hết, những khuôn khổ để hình thành một địa giới, đơn vị hành chính lãnh thổ không đơn giản là về mặt cơ học của diện tích đất đai, dân số mà còn là khuôn khổ của truyền thống, văn hoá, sự gắn kết của người dân, điểm khác biệt giữa các vùng miền.

Việc chúng ta phải tách lại các tỉnh thời gian trước cũng do yếu tố đó. Ở một khu vực dân cư, sự tương đồng về nhiều thứ sẽ giúp việc quản trị dễ dàng hơn, đơn giản nhất là giọng nói giống nhau thì dễ hiểu nhau hoặc những quan điểm chung, thói quen chung, chuẩn mực chung thì dễ dàng chia sẻ.

Nhưng có tính toán được chỉ ra là những tỉnh có dân số dưới 800 nghìn người mà cũng duy trì một bộ máy quản lý là khá lãng phí. Nếu thực hiện “giảm 10 tỉnh” như thế, sẽ tinh giản được hàng ngàn cán bộ, công chức từ đó tiết kiệm chi thường xuyên hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra khi sáp nhập việc tiếp kiệm trong sử dụng tài sản công cũng là rất lớn, lập luận đó có thuyết phục, thưa ông?

Tôi thì thấy một thực tế khách quan là các địa phương nhập vào, dù muốn hay không muốn, vẫn dễ hình thành các “phe”.

Như việc nhập Hà Tây vào Hà Nội, thực tế là lúc nào cũng vẫn có “phe” Hà Nội cũ với “phe” Hà Tây cũ, mà người ta sẽ phải nhìn ngó, tính toán, người Hà Nội được vị trí này thì người Hà Tây phải được xếp chỗ kia.

Đó là ở địa bàn dễ dung hoà như Thủ đô còn như vậy, thế thì với các tỉnh khác sẽ còn phức tạp thế nào?

Sau nữa, tôi thấy, công nghệ thông tin đúng là có thể giúp giảm khoảng cách địa lý nhưng nó không giúp nâng cao tầm chiến lược của lãnh đạo. Làm thế nào để tìm chọn được những người có thể hoạch định chính sách, chiến lược cho một lãnh thổ rộng lớn là một câu hỏi không dễ trả lời.

Nếu cán bộ trước đó chưa đủ tầm để hoạch định cho một tỉnh nhỏ còn chưa xong, thì giờ phải đưa ra đường lối phát triển cho một tỉnh lớn gấp đôi thì không biết ra sao.

Nói như vậy, ý là là ông thấy chưa thuyết phục với đề xuất nhập lại ít nhất 10 tỉnh này?

Chưa thuyết phục! Bởi vì tôi chưa thấy tất cả các dữ liệu được phân tích để có thể có câu trả lời chính xác là nhập vào có tốt hơn không.

Chúng ta nên học làm chính sách theo hướng đó, phải có phân tích, để thấy giữa được và mất, cái nào lớn hơn thì hãy quyết.

“Cát cứ” sẽ thua

Nhưng cũng có ý nói là duy trì nhiều tỉnh nhỏ chính là hình thức cát cứ bộ máy. Chỉ cần lãnh đạo chịu nhún mình vì lợi ích chung của người dân là việc nhập tỉnh làm được. Vấn đề chỉ là lãnh đạo nào cũng đều muốn giữ chỗ, giữ địa bàn của mình?

Nói thế thì lại khác. Cát cứ bộ máy, nếu có thì giữ địa bàn nhỏ sẽ cát cứ nhỏ còn nhập thành địa bàn lớn thì cát cứ lớn hơn chứ sao.

Cát cứ hay không thì phải xem trong nền kinh tế thị trường, nếu kinh thế thị trường phát triển mạnh thì cái đó không thành vấn đề quá lớn, vì thị trường sẽ tự vượt qua yếu tố cản trở đó thôi, và người giữ tư tưởng cát cứ sẽ thua.

Ví dụ Bình Dương, một tỉnh diện tích nhỏ như vậy nhưng phát triển như vậy, thử cát cứ xem có được không. Nhân lực của Bình Dương gần như là người Bắc vào. Bình Dương phát triển được là vì nguồn nhân lực cả nước đổ về. Lãnh đạo mà cát cứ thì “chết” ngay.

Có thể nói là kinh tế thị trường không chấp nhận sự cát cứ, có muốn cát cứ cũng không được và lãnh đạo thông minh thì sẽ thấy là cát cứ nghĩa là… “chết”. Đó là còn chưa nói chuyện là nếu cát cứ thì làm ra sản phẩm sẽ bán cho ai.

Nhưng đúng là có vấn đề tư tưởng “địa phương chủ nghĩa”, tức là lãnh đạo địa phương ít quan tâm đến lợi ích quốc gia, chỉ nhăm nhăm lợi ích của mình thôi và đôi khi lợi ích địa phương với lợi ích quốc gia không như nhau.

Ví dụ, tỉnh này có cảng mà tỉnh khác muốn sử dụng cảng đó lại gặp khó khăn trong khi đáng ra cảng đó phải phục vụ cho cả khu vực.

Tính địa phương chủ nghĩa như vậy thì không phải nhập vào là khắc phục được, mà ở đây có bàn tay điều phối của quốc gia. Thậm chí, việc nhập vào, tách ra có thể chỉ làm sự cục bộ lớn hơn.

Đề xuất sáp nhập Bộ Kế hoạch và đầu tư với Bộ Tài chính: Bộ trưởng Dũng nói gì?

Bài viết mới