Đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là tài liệu phục vụ cho việc xem xét dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra.
Đủ tầm thu hút đầu tư quốc tế
Theo đề án của tỉnh Kiên Giang, đặc khu Phú Quốc có diện tích hơn 57.532 ha, 9 khu hành chính, tổng vốn đầu tư đến năm 2030 cần 890.867 tỉ đồng. Đặc khu Phú Quốc được xây dựng dựa trên 3 mũi nhọn du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp có casino; thương mại, hội nghị quốc tế; nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học. Trong đó riêng dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp có nhu cầu đầu tư 3.000 tỉ đồng trong giai đoạn đầu. Quan điểm của Kiên Giang là ưu đãi phải đủ tầm để cạnh tranh thu hút đầu tư quốc tế nhưng cũng không được quá lớn để gây thâm hụt ngân sách và quan trọng là phải có khát vọng để xây dựng đặc khu.
Để “xây tổ đón phượng hoàng”, Kiên Giang đề xuất hàng loạt ưu đãi chưa có tiền lệ, đặc biệt là nhóm chính sách liên quan đến tài chính, bao gồm ưu đãi thuế, tài chính tiền tệ, hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách về đất đai và xúc tiến đầu tư. Cụ thể, cho phép người nước ngoài vào làm việc tại đặc khu Phú Quốc hợp đồng 3 tháng trở lên được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà trong đặc khu. Ưu đãi này gồm nhà chung cư, nhà ở có sân vườn hoặc nhà liên kề với thời hạn vĩnh viễn (đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự) hoặc 99 năm đối với nhà chung cư. Cá nhân là người nước ngoài được hưởng lương theo thỏa thuận, được miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm đầu, đến năm thứ 6 được miễn 50%, được miễn cấp giấy phép lao động khi làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong đặc khu Phú Quốc.
Về chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, tập đoàn lớn (thuộc nhóm 200 tập đoàn hàng đầu thế giới) đặt trụ sở, chi nhánh tại đặc khu được miễn tiền thuê mặt bằng hoặc tiền thuê đất xây dựng trụ sở; được áp thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm.
Sân bay Vân Đồn đang được xây dựng Ảnh: Thế Dũng
Đối với chính sách tiền tệ, Kiên Giang đề xuất thành lập Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Phú Quốc thực hiện chức năng quản lý tiền tệ, giám sát hoạt động ngân hàng và được NHNN Việt Nam ủy quyền xác nhận đăng ký các khoản giao dịch vốn cho người cư trú và người không cư trú theo quy định pháp luật về quản lý ngoại hối tại đặc khu. Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành chủ yếu trong đặc khu, cho phép đồng USD được lưu hành tự do trong đặc khu, các đồng tiền khác được phép chuyển đổi tự do sang USD. Kiên Giang cũng mong muốn được phép mở sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán tại đặc khu để tạo điều kiện cho DN huy động vốn. Đặc biệt, người chơi bài tại casino Phú Quốc được phép mang số tiền thắng bài ra nước ngoài hoặc ra khỏi đặc khu, sau khi nộp các khoản thuế theo quy định mà không cần giấy phép của NHNN nhưng phải khai báo hải quan.
Cần trao quyền mạnh mẽ cho trưởng đặc khu
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết đặc khu Vân Đồn được xây dựng dựa trên 3 mũi nhọn là du lịch – văn hóa cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao, nhu cầu vốn đầu tư cần 270.000 tỉ đồng trên tổng diện tích 2.200 km2. Trong thời gian chờ thông qua luật đặc khu, Quảng Ninh đã thu hút được 36.000 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông như cao tốc, sân bay, hệ thống bến cảng đón tàu du lịch cỡ lớn.
Theo đề án của Quảng Ninh, cần trao quyền mạnh mẽ cho trưởng đặc khu, hướng theo mô hình quản trị DN, tức là một cá nhân phải chịu trách nhiệm đến tận cùng để khắc phục những bất cập trong hệ thống hiện nay. Bên cạnh đó, phải xây dựng được thể chế hiện đại, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đề cao được trách nhiệm người đứng đầu, tương thích với các mô hình đang hoạt động hiệu quả của các đặc khu trên thế giới cùng với chính sách về kinh tế vượt trội, cạnh tranh toàn cầu để bảo đảm thu hút được nguồn lực của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Nếu không trao quyền đủ mạnh cho trưởng đặc khu, sẽ không có đột phá và những ưu đãi đối với đặc khu chỉ đặc biệt trên giấy tờ.