Đề xuất đánh thuế căn hộ trên 50 triệu/m2: Giải bài toán tăng cung nhà ở vừa túi tiền?

Theo chuyên gia, việc áp dụng thuế suất cao với căn hộ cao cấp sẽ khiến các chủ đầu tư phải cân nhắc lựa chọn sản phẩm khó hay dễ bán, từ đó thúc đẩy phát triển nhà ở có giá phù hợp hơn.

Việc đánh thuế cao vào căn hộ cao cấp sẽ khiến chủ đầu tư phải cân nhắc lựa chọn giữa đầu tư sản phẩm khó hay sản phẩm dễ bán. Qua đó khuyến khích thúc đẩy phát triển nhà ở có giá phù hợp hơn

Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến có nội dung đáng chú ý là đề xuất ban hành Luật Thuế bất động sản.

Luật này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng 10.2024, thông qua vào tháng 5.2025. Trong đó, Bộ Tư pháp đề xuất đánh thuế cao với căn hộ chung cư giá trên 50 triệu đồng/m2, đồng thời tách riêng đất ở và nhà ở để đánh thuế bất động sản.

Nghiên cứu bổ sung quy định về thuế đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ theo hướng áp dụng thuế suất cao hơn đối với việc giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn.

Cụ thể, đối với nhà chung cư (bao gồm cả đất xây dựng nhà chung cư), cơ quan soạn thảo định hướng quy định ngưỡng chịu thuế đảm bảo điều tiết thấp đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn. Ngược lại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ thuộc đối tượng miễn thuế.

Thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ cao cấp (mức giá trên 50 triệu đồng/m2) góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VaRS), mục tiêu của đánh thuế cao với căn hộ trên 50 triệu đồng/m2 nhằm buộc nhóm tiêu dùng phân khúc nhà ở cao cấp (nhóm thu nhập cao) phải đóng góp thêm vào ngân sách, từ đó hỗ trợ thêm cho việc phát triển nhà ở xã hội.

“Việc áp dụng thuế suất cao với căn hộ cao cấp sẽ đẩy giá nhà phân khúc này tăng cao, tăng khó khăn thanh khoản. Khi đó các chủ đầu tư phải cân nhắc lựa chọn giữa đầu tư sản phẩm khó hay sản phẩm dễ bán. Qua đó khuyến khích thúc đẩy phát triển nhà ở có giá phù hợp hơn, giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người dân”, ông Đính nhận định.

Ông Đính cũng đồng ý với đề xuất bổ sung quy định về thuế đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.

Hiện nay, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2%. Trong đó, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, quyền thuê đất, thuê mặt nước và các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.

Thời gian qua, các cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản thường kê khai giá trị giao dịch thấp hơn nhiều so với giá trị mua bán thực tế làm giảm số thuế phải nộp. Việc quản lý thuế bất động sản quá dễ, dẫn đến những người đầu cơ dễ dàng lách thuế và đẩy giá đất tăng gấp nhiều lần.

Lãnh đạo VaRS cho rằng nếu quy định chặt chẽ và áp thuế cao hơn đối với hành vi găm giữ bất động sản thời gian ngắn sẽ làm cho hành vi đầu cơ không thể trục lợi.

“Thời gian diễn ra càng nhanh thì thuế suất phải đóng càng cao, làm giảm sức hấp dẫn của việc lướt sóng bất động sản, hạn chế đầu cơ. Người dân sẽ được mua nhà với giá trị thực”, ông Đính nói.

Tuy nhiên, theo ông Đính, hai nhóm hành vi nêu trên chỉ là một trong rất nhiều hành vi diễn ra trong thị trường đầu tư, kinh doanh, giao dịch bất động sản. Chính vì vậy, cần phải xây dựng một bộ luật thuế bất động sản đồng bộ, được Quốc Hội thông qua, phê chuẩn. Có như vậy mới điều tiết được thị trường bất động sản minh bạch, ổn định, bền vững.

Ông Đính cho rằng đề xuất ban hành Luật Thuế bất động sản của Bộ Tư pháp nếu được thông qua sẽ góp phần giúp thị trường minh bạch. Tuy nhiên, việc ban hành bộ luật này cần được nghiên cứu kỹ, Luật Thuế bất động sản phải đồng bộ, đủ lớn, bao phủ được mọi hành vi của thị trường bất động sản.

Bài viết mới