Để TP HCM là “điểm đến không ngủ”

Theo nhiều chuyên gia và công ty du lịch, ngành du lịch TP HCM cần tập trung đầu tư cho các sản phẩm du lịch về đêm, tận dụng thế mạnh của TP là thiên đường ẩm thực để thu hút thêm nhiều du khách quốc tế.

Đến nhưng khó trở lại

Năm 2017 được đánh giá là thành công, lượng khách quốc tế đến TP HCM với hơn 6,3 triệu lượt nhưng một trong những hạn chế lớn của ngành du lịch TP là thiếu sản phẩm chủ lực vẫn chưa khắc phục được. Đặc biệt là những sản phẩm vui chơi, giải trí dành cho du khách trong khung giờ từ 18 giờ đến nửa đêm. Ông Trần Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Fiditour, cho biết nhu cầu của nhiều du khách nước ngoài đến TP HCM muốn dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động vui chơi, ẩm thực. Đồng thời, do chênh lệch múi giờ, họ thường hoạt động vào buổi tối nhiều hơn nên TP rất cần có thêm không gian, thời gian dài hơn để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của họ.

“Việc xây dựng tuyến phố đi bộ Bùi Viện với các điểm dịch vụ phục vụ du khách nước ngoài được xem là giải pháp hiệu quả. Nhưng chỉ một tuyến phố này thôi chưa đủ, TP cần nhân rộng mô hình này sang các khu vực khác ở quận 1, nơi tập trung nhiều du khách quốc tế, cũng như phải có thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn, mới lạ” – ông Dũng phân tích.photo-1

Du khách vui chơi, giải trí ở phố đi bộ Bùi Viện về đêm Ảnh: Hoàng Triều

Trên thực tế, ở những TP du lịch lớn của các nước, du khách sẽ được trải nghiệm sản phẩm du lịch về đêm rất đặc sắc, không thể không đi, từ cảnh vật, bảo tàng, nhạc nước, ánh sáng, lễ hội, sân khấu, điện ảnh, các hoạt động ngoài trời… Trong khi đó, TP HCM rất hiếm những sản phẩm này.

Anh Daan (quốc tịch Hà Lan), người sáng lập và Giám đốc điều hành của Bright – một nhãn hiệu mới về phong cách sống, cho biết đã ở TP HCM hơn 2 năm nay và thấy rằng rất thú vị nhưng không phải du khách nào cũng biết. Phần lớn du khách nước ngoài đến TP HCM đều ghé thăm một vài điểm nổi tiếng như Củ Chi, Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…; thưởng thức một vài quán ăn đường phố; rồi tham quan các tuyến đường sông xuôi về Mê Kông. Họ đi theo các hướng dẫn phổ biến trên mạng hoặc vài trang web du lịch nổi tiếng. Một số khác thậm chí không rời khỏi khu vực Bùi Viện (quận 1) nên không cảm nhận hết được sự hấp dẫn của TP HCM. Kết quả là họ đến một lần rồi không trở lại.

Thấy được hạn chế này, UBND TP đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu việc quận 1 đề xuất mở rộng phố đi bộ Bùi Viện nhằm tạo thêm nhiều không gian giải trí về đêm cho du khách. Theo đề xuất này, quận 1 muốn mở rộng phố đi bộ Bùi Viện nhằm đẩy mạnh hoạt động đường phố, ẩm thực vùng miền giúp du khách trải nghiệm văn hóa ở Việt Nam nhiều hơn. Thực tế, đây cũng là ý kiến được nhiều người làm trong ngành du lịch đưa ra, khi mà mấy năm qua, ngành du lịch TP HCM đã cố gắng rất nhiều nhưng không ít khách quốc tế vẫn nói: “Buổi tối không biết đi đâu, chơi gì”.

Tập trung sản phẩm du lịch về đêm

Rất nhiều người đồng tình với quan điểm phải xây dựng TP HCM thành “thành phố không ngủ” để cạnh tranh được với các điểm đến khác trong khu vực và kích thích du khách quốc tế khám phá, trải nghiệm, cũng như chi tiêu nhiều hơn. Ông Võ Anh Tài, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nhìn nhận sản phẩm du lịch về đêm của TP hiện nay còn hạn chế, thậm chí là quá đơn điệu theo đánh giá của du khách. TP cần cơ chế thông thoáng để tạo ra các điểm đến, khu vui chơi giải trí hấp dẫn, sôi động, để TP trở thành “điểm đến không ngủ” trong mắt du khách.

“Từ khoảng 5 năm trước, chúng tôi đã đề nghị ngành du lịch TP cần nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm du lịch về đêm để du khách “móc hầu bao” chi tiêu nhiều hơn. Đến nay, TP đã có một số sản phẩm du lịch ban đêm, như khu vực chợ đêm Bến Thành – đường Thủ Khoa Huân (quận 1), phố đi bộ Bùi Viện… rất được du khách yêu thích nhưng quy mô chưa lớn và chưa thật sự trở thành sản phẩm chủ lực được” – ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, đánh giá.

Theo lãnh đạo nhiều công ty du lịch, sản phẩm du lịch về đêm không chỉ là ẩm thực mà còn các hoạt động nghệ thuật đường phố, mở rộng không gian về đêm cho du khách khám phá, trải nghiệm văn hóa của người dân địa phương. Du khách sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu, quan trọng là sản phẩm có hấp dẫn. Ông Phan Xuân Anh đề nghị TP cần nghiên cứu mở thêm nhiều hoạt động như phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm… Trên các phố này, cần tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

“Gần đây ra Hà Nội, tôi thấy ngành du lịch thủ đô khai thác khu 36 phố phường rất hiệu quả, họ mở cửa khu phố cổ theo hướng để du khách thưởng thức giá trị văn hóa, trải nghiệm không gian ban đêm. Họ còn phục dựng lại một số mô hình cổ, biểu diễn văn nghệ… TP HCM có thể học tập và cho phép ngành du lịch tận dụng một phần không gian vỉa hè làm nơi ăn uống, mua sắm để du khách tìm hiểu, khám phá. Nhiều du khách nước ngoài, nhất là du khách châu Âu, rất thích trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt của người dân trên vỉa hè” – ông Phan Xuân Anh gợi ý.

Tái cấu trúc sản phẩm du lịch

Đại diện các công ty du lịch kiến nghị TP cần tái cấu trúc lại sản phẩm du lịch theo hướng tập trung chuyển đổi các dịch vụ từ 7 giờ đến 18 giờ thành từ 18 giờ đến 22 giờ trên cơ sở bảo đảm an ninh trật tự đối với các tụ điểm vui chơi giải trí, nhằm hướng đến phục vụ các đối tượng chủ yếu là du khách quốc tế.

TPHCM thu ngân sách gần 348 nghìn tỷ đồng

Bài viết mới