Để tiền trong ví điện tử cũng được hưởng lãi suất cao hơn cả gửi ngân hàng: Jack Ma đang ‘âm mưu’ lũng loạn ngành tài chính như thế này đây!

Trong căn hộ rộng khoảng hơn 50m2 nằm tại quận kinh doanh Chaoyang nổi tiếng ở Bắc Kinh, Jack Wang đang dẫn dắt đội dịch vụ chăm sóc khách hàng cho Qishi Club Co – một công ty bán đồ chơi trực tuyến. Mỗi tháng, công ty này có được doanh thu khoảng 150.000 NDT (tương đương 24.000 USD) từ riêng nền tảng thương mại điện tử Taobao.com của Alibaba.

Việc làm này rất đơn giản, Wang chỉ cần một cú click trên website Taobao và thế là giao dịch thực hiện thành công. Thời kỳ đỉnh điểm giữa tháng 5/2014, Yu’e Bao đã trả mức lãi suất lên tới 6%/năm cho các tài khoản gửi tiền kèm theo điều kiện thanh khoản ngay lập tức – tức là những vị khách như anh Wang có thể rút số tiền trong tài khoản Yu’e Bao của mình bất kỳ lúc nào mà không phải chịu khoản phạt.

“Dĩ nhiên, chúng tôi đã ngừng ngay việc đi rút tiền rồi sau đó lại tới ngân hàng để gửi tiền mà thay vào đó chỉ cần chuyển tất cả tiền sang Yu’e Bao chỉ bằng một cú click. Trung bình công ty tôi thường gửi từ 300.000 – 500.000 NDT trong nền tảng của Alibaba”, anh Wang chia sẻ.

Điều đáng nói Wang không phải là người duy nhất làm việc này. Hiện tại, bất kỳ khi nào khách hàng chuyển tiền từ ví điện tử Alipay sang Yu’e Bao dù chỉ là 1 NDT họ cũng sẽ nhận được lãi suất cho số tiền nhàn rỗi trong tài khoản đó. Cứ như vậy, tiền sẽ đẻ ra tiền mỗi ngày với mức lãi suất 3,9%/năm.

Dù thấp hơn 40% so với mức lãi cao kỷ lục vào năm 2014 (lên tới 6%/năm) nhưng đây vẫn được xem là mức lãi cao hơn gấp nhiều lần khi so với nhiều Ngân hàng thương mại Trung Quốc vốn chỉ đang áp dụng mức lãi suất 0,5%/năm. Chính vì vậy cộng thêm khả năng giao dịch dễ dàng, không ràng buộc thời gian rút và gửi, Yu’e Bao đang trở nên cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc.

Chỉ sau 6 tháng ra mắt, Yu’e Bao đã thu hút được tới 29 triệu khách hàng và con số này đang ngày một tăng chóng mặt.

Cuối tháng 4/2014 – tức là chỉ sau 10 tháng hoạt động, Yu’e Bao nắm trong tay khoảng 90 tỷ USD – hơn tất cả những công ty quản lý tài sản ở Trung Quốc khác cộng lại. Tính tới quý 1 năm 2017, khối tượng tiền Yu’e Bao quản lý đã tăng lên mức 165,6 tỷ USD – trở thành quỹ thị trường tiền tệ (MMF) lớn nhất thế giới, vượt cả MMF của ngân hàng JPMorgan Chase với chỉ 150 tỷ USD.

Cần phải nói thêm rằng Yu’e Bao ra đời từ tháng 6/2013 – tức là đến nay mới chỉ được 4 năm tuổi – biến đây trở thành quỹ thị trường tiền tệ phát triển nhanh nhất mọi thời đại. Peter Alexander – Tổng giám đốc Công ty tư vấn Z-Ben của Trung Quốc đưa ra bằng chứng rằng: “Ví điện tử của Alibaba hấp dẫn tới mức rất nhiều người rút tiền gửi ngân hàng ra rồi sau đó bỏ vào Yu’e Bao”.

Dĩ nhiên, dù có nhiều lợi thế là vậy nhưng giống như bao quỹ thị trường tiền tệ khác, Yu’e Bao cũng tồn tại những rủi ro nhất định về thanh khoản. Nếu thị trường và lợi nhuận sụt giảm, các nhà đầu tư sẽ ngay lập tức rút hết tiền ra, tạo nên một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận tốc độ phát triển thần tốc của Yu’e Bao và nó đang trở thành thách thức to lớn đối với ngành công nghiệp quản lý tài sản nói riêng và lĩnh vực ngân hàng nói chung.

Lợi nhuận cao cùng với thanh khoản tốt đã biến Yu’e Bao trở thành một công cụ không thể đánh bại, hút 500 tỷ NDT từ các ngân hàng truyền thống chỉ thông qua một cú click“, Hu Yifan – Kinh tế trưởng tại công ty môi giới Haitong International Securities có trụ sở tại Hong Kong nói.

Dĩ nhiên các ngân hàng không thích thú với sự xuất hiện của Yu’e Bao. “Alibaba thu hút khối lượng tiền gửi lên tới 500 tỷ NDT rồi sau đó lại gửi số tiền này vào ngân hàng. Mà bạn biết đấy, với số tiền đó, Alibaba sẽ có lợi thế to lớn trong quá trình thoả thuận với các ngân hàng về mức lãi suất”. Thậm chí nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này phán đoán rằng Yu’e Bao có thời điểm đàm phán được mức lãi suất lên tới 8% mỗi năm với các ngân hàng và như vậy họ dễ dàng chào mời khách hàng của mình với mức lãi cao kỷ lục 6%/năm.

Còn theo Chris Powers – chuyên gia tại hãng tư vấn Z-Ben Advisor thì 92% tiền của Yu’e Bao được gửi tại các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc với mức lãi suất rất cao. “Khi có trong tay khoảng 500 tỷ NDT, bạn có thể dễ dàng thoả hiệp mức lãi suất mà mình mong muốn, nhất là ở các ngân hàng nhỏ”. Trên thực tế, 5 ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc gồm: Ngân hàng Công nghiệp và thương mại, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Viễn thông từ chối nhận tiền gửi của phía Yu’e Bao.

Ding Xuemei – một chuyên gia phân tích nhận đinh: “Yu’e Bao đang dẫn đầu đổi mới trong ngành tài chính tại Trung Quốc”.

Thành công của Yu’e Bao chứng tỏ việc sở hữu khách hàng là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào hiện nay. Alibaba có khả năng làm việc này bởi cơ sở khách hàng to lớn cùng những lợi thế về công nghệ. Nói cách khác, Alibaba có thể phục vụ khách hàng theo cách mà khách hàng muốn. Chính vì vậy, bài học đối với bất kỳ quỹ quản lý tài sản, hãng bảo hiểm hay thậm chí là ngân hàng nào là để sở hữu khách hàng, bạn cần phải kết nối với họ theo cách mà họ muốn kết nối với bạn!

Yuebao – Ví tiền trực tuyến “tự đẻ ra tiền”, quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới và cuộc cách mạng tài chính của Jack Ma

Bài viết mới