Hãy cùng khám phá những mẹo để những chuyến xe ngày Tết không còn là vấn đề trở ngại cho bạn nữa nhé.
Trước hết, để chống say xe, bạn cần chuẩn bị một tâm lí thật thoải mái trước khi bước lên xe, tránh nghĩ đến việc bị say xe, và hãy thử các cách dưới đây:
Gừng tươi
Gừng tươi có tác dụng tán phong hàn, chống nôn ói rất tốt. Do đó để chống say xe, bạn có thể sử dụng gừng bằng các cách sau:
– Làm trà gừng: Gừng rửa sạch, gọt vỏ, giã nát rồi uống cùng với 1 cốc nước ấm trước khi lên xe. Khi lên xe thì nên mang theo 1 miếng gừng nhỏ, để ngậm, và nhai nát từ từ, cách này rất đơn giản mà hiệu quả.
– Đặt gừng vào lòng bàn tay, khi đi xe thì đặt gừng trước lỗ mũi, để mùi gừng có thể bay thẳng vào mũi.
– Đặt 1 miếng gừng vào lỗ rốn rồi giữ chặt lại, nếu không muốn dùng tay giữ thì có thể dùng băng dính để dính lại.
Sử dụng vỏ quýt hoặc vỏ cam
Cam hoặc quýt là một loại quả có thể dùng được cả vỏ lẫn ruột trong việc chống say xe. Tinh dầu từ vỏ của cam hoặc quýt sẽ giúp bạn thoải mái tinh thần, xua tan đi cảm giác uể oải, chống lại cơn say xe.
Bạn có thể chuẩn bị 1-2 quả quýt trước khi lên xe, bóc phần vỏ và nặn nhẹ cho vỏ tiết ra tinh dầu, sau đó đặt lên mũi ngửi từ 3-5 phút. Trong suốt hành trình, bạn có thể làm như thế bất cứ khi nào cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, ăn phần ruột của loại quả chứa nhiều Vitamin C này cũng là phương pháp hữu hiệu giúp bạn chống lại những cơn chóng mặt, buồn nôn khi đi tàu xe.
Chanh tươi
Trong chanh chứa nhiều vitamin C, acid citric, vỏ chanh chứa nhiều tinh dầu, có thể giúp làm dịu cái dạ dày đang nôn nao, giảm bớt buồn nôn khi bạn di chuyển. Mùi chanh cũng có thể giúp ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì nó kích thích những vùng não cao hơn để ngăn chặn say xe.
Hãy pha nước cốt chanh với 1 cốc nước ấm. Thêm 1 muỗng canh mật ong và trộn đều. Nhâm nhi từ từ trước và trong suốt hành trình của bạn. Bạn cũng có thể ngậm một lát chanh hoặc một miếng chanh cả vỏ đều đặn khi di chuyển.
Ăn vừa phải trước khi lên xe và không ăn các loại thức ăn có bơ, sữa…
Việc ăn quá no trong khi phải di chuyển một đoạn đường dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa gây khó tiêu, trào ngược thức ăn. Hạn chế ăn trước khi lên xe, hoặc có thể ăn các đồ ăn nhẹ như bánh quy, bánh mì – những loại thực phẩm có khả năng hấp thụ Acid trong dạ dày. Bạn cũng có thể ăn một ít hoa quả tráng miệng.
Ngủ một giấc ngắn
Khi ngồi trên xe, thay vì đọc sách, đan len, làm việc, hay tập trung vào màn hình điện thoại,… , bạn hãy cố gắng ngủ một giấc. Việc bắt buộc não bộ phải tập trung trong một môi trường không thuận lợi như trên tàu xe càng khiến bạn mất tập trung và gây ra sự mệt mỏi, căng thăng đầu óc, khi đó cảm giác say xe sẽ đến với bạn nhanh hơn. Do đó, đeo tai nghe, tựa đầu vào thành ghế sau và ngủ một giấc từ 15-30 phút sẽ giúp bạn tỉnh táo, thoải mái hơn khi tỉnh dậy, quên đi cảm giác say xe.
Ấn huyệt nội quan
Khi say xe có thể dùng ngón tay cái ấn vào huyệt nội quan (nằm ở bên khớp cổ tay, trên vân ngang cổ tay, khoảng giữa ngón tay giữa và gân mu bàn tay). Cách này là gợi ý của các bác sĩ đông y.
Uống thuốc hoặc dùng cao dán chống say xe
Trước khi lên xe 10-15 phút, uống 1 viên thuốc chống say để phòng tránh say xe theo liều lượng quy định. Phương pháp này có tác dụng phòng chống say xe hiệu quả đến 97%.
Bên cạnh đó, nếu có thể, bạn hãy mở các cửa sổ của xe ra trong quá trình di chuyển. Nhiều người không quen với mùi không khí của điều hòa và sự tù túng trong không gian chật hẹp sẽ dễ bị say hơn, cách tốt nhất là mở cửa và để không khí tự nhiên lùa vào trong xe.