Tuy nhiên, đây vẫn đang là mặt hàng còn tồn tại nhiều bất cập cần phải tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.
NNVN trao đổi với PGS.TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT về vấn đề này.
PGS.TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
PV: Thưa Thứ trưởng, hồ tiêu là ngành hàng rất ấn tượng, hiếm có loại nông sản nào của Việt Nam lại chiếm thị phần áp đảo và có thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường toàn cầu như vậy. Tuy nhiên việc bùng nổ diện tích hồ tiêu đang là nguy cơ phát triển thiếu bền vững, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT đến năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu cả nước chỉ khoảng 50 nghìn hecta, tuy nhiên đến năm 2017, diện tích thực tế hồ tiêu cả nước ước đã lên tới 120-130 nghìn hecta.
Về giá hồ tiêu, có thời điểm lên tới 200 triệu đồng/tấn, trong khi giá thành SX chỉ khoảng 40 triệu đồng/tấn. Dĩ nhiên là giá cao thì đáng mừng, nhưng việc giá hồ tiêu quá cao, gấp tới 5 lần giá thành rõ ràng là điều phi lí và thiếu bền vững, tiềm ẩn rủi ro về thị trường, kéo theo cả những rủi ro về SX. Bởi có tình trạng khi giá hồ tiêu quá sốt, người dân đã mở rộng diện tích ra cả những vùng không phù hợp, thậm chí tranh chấp, phá vỡ quy hoạch với những cây trồng khác. Để rồi khi giá quay trở về đúng giá trị thực và đúng quy luật, người dân rất dễ vấp phải cú sốc lớn, mà cao su là một bài học điển hình.
Tuy nhiên xét về tiềm năng, kể cả khi giá hồ tiêu hạ xuống ở mức từ 80-100 nghìn đồng/kg, lợi nhuận của hồ tiêu vẫn xung quanh 100%. Đây là tỉ suất lợi nhuận vẫn rất cao mà khó có cây trồng nào hiện nay cạnh tranh được. Vì vậy, việc giá hồ tiêu giảm mạnh từ năm 2016-2017 cũng là điều bình thường, tốt, để cơ cấu lại ngành hàng này mang tính bền vững hơn.
Bộ NN-PTNT xác định hồ tiêu vẫn là một trong những cây trồng chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam. Đặc biệt trên thị trường quốc tế, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam hiện đã chiếm khoảng 55% và 60% thị phần thương mại toàn cầu. Có thể nói, không có loại nông sản XK nào của Việt Nam hiện nay lại chiếm thị phần áp đảo và có thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường hồ tiêu toàn cầu như nước ta. Vì vậy trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có những giải pháp căn cơ hơn nữa cho ngành hàng đặc biệt có lợi thế này của nước ta.
PV: Vậy giải pháp cụ thể để ngành hồ tiêu thực sự phát triển bền vững đó là gì?
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Về quy hoạch, để phát huy tiềm năng của cây hồ tiêu, cần phải điều chỉnh quy hoạch chứ không giữ ở mức 50 nghìn hecta như trước đây. Hiện Bộ NN-PTNT đã giao các đơn vị tư vấn nghiên cứu rà soát để điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết cho cây trồng này, muộn nhất trong quý I/2018 phải chốt được.
Về kỹ thuật, nghiên cứu chọn tạo và kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu là vấn đề trước hết mà Bộ NN-PTNT sẽ rốt ráo triển khai trong thời gian tới. Một cây trồng có giá trị cao như hồ tiêu, nhưng cho tới năm 2015, chúng ta chưa hề có cơ sở nghiên cứu bài bản nào, đa phần giống hồ tiêu vẫn trôi nổi, chưa thể kiểm soát được chất lượng. Đầu tư cho công tác nghiên cứu giống nói riêng và KH-CN nói chung cho cây hồ tiêu nhìn chung vẫn còn rất sơ sài, hạn chế.
Trước tình hình này, vừa qua, Bộ NN-PTNT đã nhanh chóng thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hồ tiêu tại Pleicu (Gia Lai), đồng thời đã ưu tiên đầu tư các chương trình đề tài nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác… cho trung tâm này. Bên cạnh đó, Viện KHNN Miền Nam tại Hưng Lộc (Đồng Nai) cũng đang tập trung cho các nghiên cứu về giống và kỹ thuật nhằm từng bước phục vụ công tác KH-CN cho cây hồ tiêu tại hai vựa lớn là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Những công tác trọng tâm chính đối với giống hồ tiêu trong thời gian tới sẽ là làm sao xác định lại cụ thể bộ giống cho từng vùng, từng khu vực, đồng thời phải kết hợp với ngành nông nghiệp các địa phương quản lí cho được các giống gốc, chấm dứt tình trạng giống hồ tiêu trôi nổi, thiếu kiểm soát về chất lượng. Quy trình canh tác phải được xốc lại, tạo chuyển biến cụ thể tại các vùng trồng hồ tiêu, nhất là về kiểm soát phân bón vô cơ, sử dụng thuốc BVTV.
Vấn đề nghiêm trọng của hồ tiêu hiện nay vẫn là lạm dụng phân bón vô cơ, khiến độ phì đất bị suy giảm nghiêm trọng, độ pH thấp, vi sinh vật có lợi bị tiêu diệt, sức đề kháng hồ tiêu kém, khiến dịch bệnh về rễ có điều kiện bùng phát.
Những năm gần đây, Bộ NN-PTNT đã dồn lực cho việc khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu, hiện đã cơ bản khống chế được. Tuy nhiên đây mới chỉ là kết quả bước đầu, và sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Một vấn đề nữa của ngành hồ tiêu Việt Nam, đó là giải pháp thị trường. Chúng ta đang ở vị thế là thủ lĩnh của ngành hồ tiêu thế giới, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể hiện được vị thế này. Vì thế từ năm 2018, Bộ NN-PTNT sẽ chú trọng đặc biệt vào việc xây dựng chiến lược để nâng được vị thế cho ngành hồ tiêu Việt Nam, nhất là thông qua vai trò của Hiệp hội Hồ tiêu và các DN. Bộ NN-PTNT vừa qua đã làm việc với Hiệp hội Hồ tiêu và các DN chủ chốt để bàn về vấn đề này.
Ảnh: Lê Bền
Bên cạnh đó, hồ tiêu hiện nay có thể nói là ngành hàng còn yếu kém trong việc xây dựng mối liên kết SX giữa nông dân với DN. Trong thời gian gần nhất, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì một hội nghị lớn cùng với Hiệp hội Hồ tiêu, các DN lớn và các địa phương để xốc lại việc xây dựng mối liên kết SX cho ngành hồ tiêu. Làm sao hiệp hội và các địa phương phải “nắm đằng cán” được thị trường, chủ động “ra giá” được về ngành hồ tiêu trên thị trường quốc tế.
PV: Liên kết sản xuất và chế biến vẫn là khâu yếu nhất nói chung đối với ngành Trồng trọt. Cần phải điều chỉnh thế nào để những điểm yếu cố hữu đó dần trở thành điểm mạnh, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Hiện nay, ngành trồng trọt đã cơ bản xác định rõ được cây trồng nào có lợi thế, là cây trồng chủ lực. Chỗ nào trồng được cây gì cũng đã căn bản định hình được. Mặc dù việc quy hoạch cho các loại cây trồng sẽ vẫn có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thị trường trong từng giai đoạn, tuy nhiên về cơ bản có thể nói những cây trồng có lợi thế, đóng vai trò chủ lực đã ổn định. Vấn đề căn cơ nhất phải là giải quyết những yếu kém về mặt kỹ thuật. Bởi khoảng cách giữa những nông dân có trình độ thâm canh, kỹ thuật cao và nông dân SX theo kiểu quảng canh sơ sài, còn rất mênh mông.
Về chế biến bảo quản, đang là khâu còn rất yếu của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta. Cà phê là một điển hình, khi mà XK thô vẫn còn chiếm tới trên 90%. Hiện nay, rất nhiều DN cả trong và ngoài nước cũng đang xúc tiến đầu tư mạnh vào chế biến sâu cà phê và hi vọng sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Đối với liên kết, chủ trương trước hết vẫn là thu hút thêm nhiều hơn nữa các DN vào cuộc. Ngay ngành rau quả của chúng ta liên tục tăng trưởng nhảy vọt, nhưng nhìn chung số lượng DN vẫn còn rất mỏng. Khi đã có DN, sẽ xúc tiến thêm việc thành lập các tổ chức SX của nông dân như HTX, tổ hợp tác để liên kết với DN. Bởi bản thân DN không thể liên kết với hàng nghìn hộ nông dân cá thể. Chính phủ cũng đã có chủ trương từ nay đến năm 2020, phải thành lập được 15.000 HTX nông nghiệp mới. Đây sẽ là cú hích quan trọng, đồng bộ cho mối liên kết SX trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!