Đế chế của tỷ phú giàu nhất châu Á mất 50 tỷ USD trong 2 ngày, cổ phiếu giảm kịch biên độ sau khi bị 'bóc phốt'

TIN MỚI

Các cổ phiếu thuộc công ty con của tỷ phú Gautam Adani tiếp tục bị bán tháo mạnh ở phiên 27/1, xoá sạch hơn 50 tỷ USD vốn hoá trong chưa đầy 2 ngày. Tỷ phú giàu nhất châu Á đang phải đối mặt với phản ứng của thị trường sau báo cáo của Hindenburg Research.

Diễn biến tiêu cực này đang gây áp lực lớn cho “ông trùm” Ấn Độ khi giá trị tài sản của ông cũng đang sụt giảm và có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư trước thương vụ phát hành 2,5 tỷ USD cổ phiếu của Adani Enterprises.

Cổ phiếu Adani Enterprises giảm hơn 19% trong ngày 27/1, trượt xuống mức 3.276 rupee – mức giá các nhà đầu tư “mỏ neo” (anchor investor) được phân bổ cổ phần trong đợt phát hành cổ phiếu mới sắp tới. Cổ phiếu một số công ty như Adani Green Energy Ltd. và Adani Total Gas giảm kịch biên độ là 20%, khiến đợt bán tháo càng căng thẳng hơn khi các doanh nghiệp của tỷ phú này mất 12 tỷ USD vào hôm 25/1. Khối lượng giao dịch của các cổ phiếu này cao gần gấp 3 lần mức trung bình trong 3 tháng.

Cơn bán tháo cũng gây xáo trộn cho tâm lý trên thị trường Ấn Độ, khi hoạt động giao dịch được nối lại sau kỳ nghỉ vào ngày 26/1. Chỉ số NSE Nifty 50 mất 1,5% và là chỉ số có thành tích tệ nhất ở châu Á. Cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu đà giảm ở thị trường Ấn Độ khi nhà đầu tư lo ngại lĩnh vực này tiếp xúc nhiều với các doanh nghiệp của ông Adani.

Gary Duga – CEO của Global CIO Office, cho biết: “Các vấn đề đã nảy sinh ngay ở trung tâm của khu vực doanh nghiệp Ấn Độ, đó là một số tập đoàn do gia đình kiểm soát chiếm ưu thế. Về bản chất, đó là những doanh nghiệp chưa có sự rõ ràng và nhà đầu tư phải đặt niềm tin vào các vấn đề quản trị doanh nghiệp.”

Dugan nói thêm: “Sau thành tích xuất sắc của năm ngoái, cổ phiếu Ấn Độ hay bất kỳ cổ phiếu của các công ty có tiếng đều có khả năng bị chốt lời. Do đó, thị trường chứng khoán Ấn Độ có nguy cơ giảm mạnh hơn nữa, với Adani là chất xúc tác.”

Đế chế của tỷ phú giàu nhất châu Á mất 50 tỷ USD trong 2 ngày, cổ phiếu giảm kịch biên độ sau khi bị bóc phốt - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu “họ Adani” trong tháng 1.

Đà lao dốc của cổ phiếu “họ Adani” diễn ra sau những đợt tăng ngoạn mục trong những năm gần đây và một số ghi nhận mức tăng lớn nhất ở châu Á vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng trong 5 năm của Adani Enterprises thậm chí còn mạnh hơn cả Tesla, đưa tỷ phú Adani từ vị trí ít người biết đến lên nhóm những người giàu nhất thế giới.

Với xu hướng này, tài sản của tỷ phú Adani giảm xuống dưới mức 100 tỷ USD mà ông đã vượt qua vào tháng 4 năm ngoái. Hiện tại, ông sở hữu khoảng 97 tỷ USD, thấp hơn khoảng 15% so với hôm thứ Tư, theo Bloomberg Billionaires Index.

Những lo ngại về tình hình tài chính của Adani Group đã tăng lên trong quá trình đế chế này trỗi dậy. CreditSights hồi tháng 8 cũng cho biết tập đoàn của ông Adani “có tỷ lệ đòn bẩy quá lớn” với “bảng cân đối kế toán kém lành mạnh”. Tuy nhiên, báo cáo của Hindenburg lại gây chú ý nhiều hơn đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp của tập đoàn này, cũng như của Ấn Độ nói chung.

Hindenburg Research công bố bản báo cáo ngay khi Adani Enterprises đang tìm cách huy động thêm vốn trong nước và quốc tế. Thương vụ phát hành thêm cổ phiếu đã thu hút một số nhà đầu tư “mỏ neo” ngay trước báo cáo này, khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ và cá nhân giàu có vẫn có thể đấu giá cổ phiếu từ hôm nay đến ngày 31/1.

Tính đến 7 giờ sáng nay, tổng số lượng đăng ký cho đợt chào bán là 1%. Phần dành riêng cho nhà đầu tư bán lẻ đã bán được khoảng 1 % trong khi đó phần dành cho cán bộ nhân viên đã bán được 2% của đợt chào bán. Trong khi đó, phần dành cho nhà đầu tư tổ chức chưa được đấu giá. Nhà đầu tư Ấn Độ thường phải chờ đến ngày cuối của đợt chào bán mới “ra giá”.

Một số nhà quan sát thị trường cho biết tác động với thị trường nhìn chung vẫn chưa quá lớn. Phần lớn, các chỉ số tham chiếu của chứng khoán Ấn Độ được “tạo thành” từ các ngân hàng, công ty tiêu dùng và dịch vụ IT “chất lượng rất cao” và rủi ro với các chỉ số đó từ báo cáo của Hindenberg “không là gì”, theo Neelkanth Mishra, đồng giám đốc chiến lược cổ phiếu tại châu Á – Thái Bình Dương và chiến lược gia cổ phiếu tại Ấn Độ của Credit Suisse.

Tham khảo Bloomberg 

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới