Đây là doanh nhân đen đủi nhất thế giới: Làm tỷ phú chưa đầy 1 năm, tài sản bị thổi bay gần hết, tất cả các dự án ngừng hoạt động

Tên lửa của công ty hàng không vũ trụ SpaceX phát nổ năm ngoái đã khiến 3 doanh nhân tham vọng bậc nhất thế giới khốn khổ. Thông qua Twitter, Elon Musk tâm sự về thất bại phóng tên lửa. Mark Zuckerberg thì chia sẻ trên Facebook về sự thất bại của kế hoạch phổ cập Internet sang châu Phi, nhờ vệ tinh thông tin Amos 6 mà tên lửa này mang theo. Còn Wang Jing – người ít nổi tiếng hơn so với 2 doanh nhân kể trên cũng buộc phải hủy kế hoạch mua công ty Israel sở hữu Amos 6.

Với riêng doanh nhân Trung Quốc 44 tuổi Wang Jing thì đây lại là một bước lùi nữa với các dự án của ông trên toàn cầu. Kế hoạch xây cảng biển nước sâu 10 tỷ USD tại Crimea đổ bể sau khi Nga sáp nhập bán đảo này năm 2014. Cùng năm đó, Wang động thổ dự án kênh đào 50 tỷ USD tại Nicaragua để cạnh tranh với Panama. Nhưng đến nay, dự án hầu như chẳng nhúc nhích.

Một thương vụ tại Ukraine cũng bị tòa án nước này chặn lại. Wang cũng là một trong những người mất núi tiền vì đợt lao dốc của chứng khoán Trung Quốc năm 2015.

Khi ấy, công ty của ông – Beijing Xinwei Technology Group có thêm 30 tỷ USD vốn hóa trong gần một năm, biến Wang thành một trong những người giàu nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ sụp đổ đã thổi bay ba phần tư mức tăng này chỉ trong 4 tháng. Wang từng có tài sản 10,2 tỷ USD khi chứng khoán đạt đỉnh hồi tháng 6 năm đó. Nhưng giờ đây, cổ phần của ông trong Xinwei chỉ có giá 350 triệu USD.

Hãng thiết bị viễn thông này cũng bị đình chỉ giao dịch từ tháng 12 năm ngoái, do cổ phiếu giảm 10% chỉ trong một ngày, sau khi bị giới truyền thông Trung Quốc nghi ngờ về mô hình kinh doanh. Công ty sau đó đã ra báo cáo dài tới 105 trang phủ nhận có hành động sai trái và cung cấp đầy đủ bằng chứng về hoạt động tại nước ngoài.

Wang cho biết ông giàu lên nhờ hoạt động khai khoáng tại Đông Nam Á, trước khi chuyển hướng sang viễn thông. Ông có liên quan đến vị trí lãnh đạo tại 30 công ty, theo website công ty xây dựng của ông – HKND. “Tôi là một người Trung Quốc rất bình thường, không thể bình thường hơn”, ông cho biết trên Bloomberg năm 2013 – năm HKND giành được dự án kênh đào Nicaragua.

Mô hình kinh doanh của Wang dựa trên việc lấy cổ phiếu để thế chấp, vay vốn cho các dự án. Ông dùng chiến lược này từ năm 2014, khi Xinwei niêm yết qua cách thâu tóm ngược. Công ty tư nhân này đã mua một công ty niêm yết, để được lên sàn.

Cổ phiếu Xinwei đã tăng vọt sau thương vụ này. Khi ấy, Wang và các cổ đông khác đã dùng cổ phần của mình để thế chấp, huy động vốn. Ông dùng tới 85% số cổ phiếu của mình. Khi ấy, cổ phần của ông được định giá hơn 2 tỷ USD. Hồi tháng 7, Wang đã lấy lại số cổ phiếu thế chấp tại Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), rồi thanh toán số đó cho các cổ đông khác bị ảnh hưởng vì Xinwei không đạt mục tiêu lợi nhuận.

Các dự án nước ngoài của ông, chủ yếu ở các nước nghèo, lại dùng cách khác. Từ Tanzania đến Campuchia, Xinwei đều bảo lãnh các khoản vay từ ngân hàng Trung Quốc cho đối tác ngoại. Họ sẽ dùng số tiền này để mua sản phẩm và dịch vụ từ Xinwei. Trong báo cáo tài chính công bố tháng trước, Xinwei cho biết họ đã bảo lãnh 15 tỷ NDT (2,3 tỷ USD), chủ yếu cho các công ty bên ngoài. Con số này tương đương 123% tài sản ròng của hãng.

Wang hiện vẫn tích cực kinh doanh trên toàn cầu, kể cả khi chính phủ Trung Quốc kìm hãm đà mua sắm của các công ty đa ngành lớn trong nước. Việc Wang tiếp cận được nguồn tài chính, và các dự án của ông thường phù hợp với mục tiêu của Chính phủ đã làm dấy lên nghi ngờ ông chỉ thực hiện thay mặt giới chức. Dù vậy, ông luôn phủ nhận điều này.

Usha Haley – Giáo sư Quản trị tại Đại học Tây Virginia cho rằng việc này rất khó kết luận. Với các tài phiệt Trung Quốc, “họ chỉ cần đồng bộ mục tiêu của mình với của chính phủ là được”.

Việc Wang hứng thú với vũ trụ khớp với mục tiêu mở rộng mạng lưới vệ tinh của Trung Quốc. Năm 2014, ông từng hợp tác cùng Đại học Thanh Hoa phóng một vệ tinh lên quỹ đạo tầm thấp.

Việc Wang mở rộng sang Ukraine cũng phù hợp với kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc, mở rộng tầm ảnh hưởng ra nước ngoài. Ông cũng đã gặp đại sứ Ukraine ở Trung Quốc và đồng sáng lập Ukraine House ở Bắc Kinh năm 2014. Năm sau đó, nước này đồng ý gia nhập sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Nhưng giờ đây, Wang đang gặp rắc rối ở Ukraine. Một trong các công ty của ông bị chính quyền cáo buộc thông đồng với doanh nghiệp địa phương để “hủy hoại” hoạt động sản xuất động cơ máy bay chiến lược.

Kế hoạch kênh đào thì đã được Nicaragua bật đèn xanh năm 2013, với một sân bay, cảng biển, đường ống, đường ray và hai khu vực thương mại tự do. HKND của ông cũng đóng góp cho nhiều dự án từ thiện ở nước này. Hồi tháng 6, HKND cho biết đang hoàn thiện thiết kế với một cảng biển ở Thái Bình Dương, và tìm địa điểm tốt hơn để đặt hệ thống khóa nước.

Wang cho biết ông có kế hoạch biến Xinwei thành một trong 3 hãng viễn thông hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ở rất nhiều quốc gia công ty này hoạt động, như Campuchia, mục tiêu này có rất ít tiến triển. Ở Nicaragua, sau khi ký được hợp đồng cung cấp dịch vụ di động, họ mất 4 năm mới lắp đặt được 1.000 thiết bị phủ sóng không dây.

“Xinwei thực sự hiện diện rất mờ nhạt ở đây”, Monica DeHart – nhà nghiên cứu các bước đi của Trung Quốc tại Nicaragua nhận xét. Báo giới Trung Quốc và Nicaragua đều nghi ngờ về kế hoạch mở tuyến đường biển thứ hai qua Trung Mỹ của ông. Trừ khi ông tìm được cách giải quyết cho vấn đề tại Ukraine, giấc mơ kênh đào của tài phiệt này đang ngày càng xa vời.

Không phải Jack Ma, doanh nhân họ Ma này mới là ‘sát thủ’ công nghệ: Sở hữu công ty có vốn hóa vượt Facebook, đánh bại Alibaba, giàu hơn cả 2 nhà sáng lập Google

Bài viết mới