Đại biểu Thi Thị Tuyến Nhung, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM cảnh báo đời sống của hơn 470 hộ dân tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đang gặp rất nhiều khó khăn: Người dân sống trong khu tái định cư như sống giữa ốc đảo, đường vào không có. Người dân kêu cứu từ năm 2013 đến nay nhưng con đường ra vào cho người dân vẫn chưa giải quyết. “Nước sạch 4 năm nay chưa có. Việc làm, học hành gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người phải quay về nơi ở cũ để sinh nhai”, bà Nhung cho hay.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn: Chất lượng cuộc sống của người dân sau giải tỏa lẽ ra phải tốt hơn nơi ở cũ nhưng vì sao có những dự án đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn?
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết TPHCM đã và đang triển khai nhiều dự án hạ tầng; hàng nghìn hộ gia đình phải di dời để thực hiện dự án. Việc chăm lo đời sống người dân sau giải tỏa là chủ trương nhất quán. Đó là nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ. Và trên thực tế, nhiều dự án đã đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận một khi bị giải tỏa, di chuyển chỗ ở, việc học, việc làm của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng sắp tới để hạn chế tình trạng trên thành phố cần nhận diện xác thực hơn, có kế hoạch toàn diện, kế hoạch và lộ trình cụ thể, có chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm.
Bó tay phòng khám Trung Quốc
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, trên địa bàn TPHCM có 192 phòng khám đa khoa, trong đó có 17 phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc. Trong số 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc thì 8 cơ sở tự đóng cửa. Thanh tra Sở Y tế tiếp tục kiểm tra thì 4/9 phòng khám bị đóng cửa. Trong số 5 phòng khám còn lại thì có 4 phòng khám “cắt” phạm vi hoạt động. Cũng theo ông Bỉnh, các phòng khám Trung Quốc đều kém, nếu tính theo thang điểm 5 thì họ chỉ đạt 1,7 điểm. Các thông tin này chúng tôi có công khai luôn trên website của Sở Y tế để người dân biết.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa có thói quen tìm hiểu thông tin về phòng khám Trung Quốc. Trong khi đó các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc thường hay “vẽ vời”, lần đầu là 5 triệu đồng sau “vẽ” lên 10 triệu đồng; trong khi đó chế tài xử phạt rất ít tác dụng răn đe.