Khi bức tranh của danh họa Leonardo da Vinci được bán với giá gần 450 triệu USD mới đây, nhiều người đã đặt nghi vấn phải chăng người sở hữu bức họa được đấu giá kỉ lục đến từ Trung Quốc. Sau khi công bố người sở hữu bức tranh là hoàng tử A-rập, những suy đoán đã được bác bỏ. Tuy vậy, sức ảnh hưởng của những nhà đầu tư Trung Quốc lên thế giới nghệ thuật đang ngày càng mạnh mẽ và rõ ràng.
Theo báo cáo của Art Basel và UBS, Trung Quốc là thị trường nghệ thuật lớn thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Anh, chiếm 20% tổng doanh thu trong khu vực toàn cầu 57 tỷ USD. Một thập kỷ trước, năm 2007, Trung Quốc chỉ chiếm 9% tổng doanh số bán hàng trên toàn thế giới. Con số này đã tăng gấp đôi trong năm 2009 và đạt đỉnh điểm 30% vào năm 2011 trước khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại sau khủng hoảng.
Nhà bán đấu giá cho hay, tại Christie, tổng giá trị mua sắm nghệ thuật từ châu Á tăng 40% so với năm ngoái. Một phần năm số người mua các tác phẩm nghệ thuật cũng đến từ châu lục này. Với ngân sách lớn cùng dân số đông, người Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế hơn về thế giới đầu tư nghệ thuật. Dưới đây là những tác phẩm họ đang tìm kiếm để thay đổi nền nghệ thuật thế giới.
Những tác phẩm qúy hiếm
Không có gì ngạc nhiên khi những tác phẩm kinh điển hiếm hoi của các bậc thầy nổi tiếng như Da Vinci hay Vincen van Gogh đều nằm top những từ khóa tìm kiếm hàng đầu. Đó là do tác phẩm của những danh họa này đều thuộc sở hữu của các viện bảo tàng quốc gia, vì vậy không được bán lại. Những tác phẩm này đắt giá chính vì sự khan hiếm.
Johnny Hon, chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm cho biết, giá một bức tranh của Da Vinci là bằng chứng cho thấy những bức tranh kinh điển của các danh họa nổi tiếng đã tạo ra một ngành kinh doanh tỷ đô và là một cách đầu tư độc đáo và khôn ngoan.
Mặc dù người sở hữu bức họa Đấng cứu thế đến từ Trung Đông, tuy nhiên bức tranh này đã được đưa tới Hồng Kông trước khi được mang ra đấu giá. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, nơi hiện đang là “trung tâm của thị trường nghệ thuật quốc tế”.
Những tác phẩm kinh điển và bậc thầy của Trung Quốc
Trong ba thế kỷ vừa qua, Trung Quốc đã mất đi nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển do các biến động trong lịch sử. Tuy nhiên giờ đây, nền kinh tế đang dần được phục hồi, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới, các nhà kinh doanh hay người giàu có sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua lại những di sản của họ.
Mới đây, bộ sưu tập 12 phong cảnh của họa sĩ Qi Baishi đã được bán với giá 171 triệu USD tại cuộc đấu giá ở Bắc Kinh. Bức tranh đã lập kỷ lục về tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc đầu tiên được bán đấu giá trên thế giới.
Năm ngoái, họa sĩ Zhang đã kiếm được 31 triệu USD trong phiên đấu giá cùng thiên tài trừu tượng Pablo Picasso, đưa nghệ sĩ Trung Quốc dẫn đầu về doanh số bán đấu giá. Theo báo cáo của Artnet và Hiệp hội các nhà bán đấu giá Trung Quốc, thị trường nghệ thuật và đồ cổ của Trung Quốc đang chuyển hướng sang Châu Á. 78% số tác phẩm được bán ở châu Á, tăng từ 66% so với năm ngoái.
Nghệ thuật đương đại
Giá trị của nghệ thuật đương đại khó đánh giá hơn những tác phẩm thông thường. Nó cần có sự hiểu biết và chiêm nghiệm của người thưởng thức.
Các nhà đầu tư nghệ thuật cho biết, người mua Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro và không ngại khi bỏ tiền vào các nghệ sĩ có tên tuổi. Họ đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật đương đại và hi vọng sẽ bán lại được với giá cao hơn lúc họ đầu tư. Đối với các nhà kinh doanh, đầu tư vào các tác phẩm đương đại không chỉ là tạo ra lợi nhuận mà còn với hy vọng phát triển nền nghệ thuật của nước nhà.