Đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi: Đừng để đất mãi xanh màu cỏ

Màu xanh của cỏ dại vẫn trải khắp 23ha đất dự án mở rộng Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM ở xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi) dù thời hạn triển khai dự án đã kết thúc năm năm về trước. Thông tin mới về việc Singapore đầu tư 1,6 tỉ USD vào KĐT sinh thái nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi liệu có giúp dự án tái khởi động?

Đi qua tuyến đường Trần Văn Chẩm đoạn thuộc xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi, TP.HCM) nếu không để ý tấm biển hoen rỉ nằm cô độc một bên đường, có lẽ nhiều người sẽ không biết đó dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.

Đây là dự án mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP), với dự án chính rộng khoảng 88ha tọa lạc tại xã Phạm Văn Cội (Huyện Củ Chi). AHTP là mô hình Khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam. Đi vào hoạt động năm 2010, đến nay AHTP đang hợp tác với các nước có thế mạnh nông nghiệp, như: Hà Lan, Nhật Bản, Israel… với 14 ngành nghề sản xuất.

Với thành công của dự án, lãnh đạo TP.HCM đã giao Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao tham mưu việc hình thành thêm hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cần Giờ (lĩnh vực giống thủy sản nước mặn/lợ, quy mô gần 90ha) và tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi (lĩnh vực trồng trọt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, quy mô 23ha).

Dự án tại xã Phước Vĩnh An đã được HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư, UBND TP phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2016-2018.

Thông tin này đã khiến thị trường bất động sản ở khu vực xã Phước Vĩnh An trở nên nhộn nhịp hơn. Đất thổ cư liên tục tăng giá. Vào năm 2018, giá một lô đất nền tại dự án KDC Trần Văn Chẩm ghi nhận ở mức 15 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên mức 20-22 triệu đồng/m2. Thậm chí tại một số khu vực trên đường 409, mức giá bán đạt khoảng 28-30 triệu đồng/m2. Mức tăng tương đương 40-100% chỉ sau năm năm.

Trái ngược với sức tăng trưởng của giá bất động sản, hạ tầng khu vực lại không được nâng cấp tương xứng. Ghi nhận thực tế tại dự án Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP.HCM trên đường Trần Văn Chẩm, diện tích đất trống rộng lớn đang bị phủ xanh bởi cỏ dại.

Tấm biển dự án nằm trơ trọi giữa chốn đồng không mông quạnh, bị xâm lấn bởi cây cỏ. Tuyến đường Trần Văn Chẩm dẫn vào dự án chỉ đủ phục vụ 2 xe hơi, nằm cô quạnh giữa 2 cánh đồng lớn.

Khi được hỏi về dự án này, người dân địa phương chỉ lắc đầu. Một số người tận dụng bãi đất lớn để chăn thả gia súc, không biết là đất đã được quy hoạch.

Các môi giới về bất động sản ở khu vực chia sẻ các thông tin mơ hồ về việc xã Phước Vĩnh An thời gian tới sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp, công nghiệp nhưng lại không có thông tin về dự án Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay tiến độ triển khai dự án này.

Một môi giới tên Đ.N cho biết, thời gian gần đây có một số nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản khu vực, có đề cập đến dự án này nhưng anh khó có thể tư vấn kỹ lưỡng vì không có thông tin cụ thể và cũng không có nhiều tư liệu để nghiên cứu.

“Hồi tháng 12, có thông tin là Singapore muốn đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao ở Củ Chi nên nhiều người hỏi có phải dự án này không. Bản thân tôi không có nguồn tin, tra trên mạng thì cũng không tìm được gì nên khó trao đổi với khách”, anh N. cho hay.

Trên thực tế, thông tin quỹ đầu tư lớn đến từ Singapore đã ngỏ ý quan tâm đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực huyện Củ Chi (TP.HCM) đã xuất hiện từ tháng 4/2022.

Cụ thể, Quỹ Đầu tư CMIA đã ký biên bản ghi nhớ với UBND TP.HCM và UBND huyện Củ Chi để phát triển Khu đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM với mức đầu tư khoảng 1,6 tỉ USD (tương đương gần 38.000 tỉ đồng).

Quy mô dự án lên tới tới 1.000ha bao gồm đất công nghiệp, thương mại và khu dân cư. Theo đề xuất, CMIA sẽ là nhà đầu tư chính của dự án và công ty tư vấn dịch vụ quản lý, cơ sở hạ tầng và đô thị toàn cầu Surbana Jurong (SJ) là đơn vị lập quy hoạch tổng thể, quản lý dự án. Phía chủ đầu tư đã giới thiệu nhiều nhà đầu tư tới thăm thực địa để tìm vị trí phù hợp triển khai dự án.

Mới đây vào đầu tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt và trò chuyện với Chủ tịch Quỹ Đầu tư CMIA CEO Tập đoàn Surbana Juron trong chuyến công tác đến Singapore.

Giới đầu tư bất động sản Củ Chi cho rằng đây là tín hiệu tốt để các dự án kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện đi vào triển khai thực tiễn. Liệu dự án AHTP ở Phước Vĩnh An sẽ có tiến triển mới khi lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhận được sự quan tâm từ nguồn vốn FDI?

Chuyển đổi 17.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, Củ Chi được lợi gì?

Bài viết mới