Thông thường thì các công ty nhỏ đem lại nhiều cơ hội hơn công ty lớn, do công ty nhỏ thường có giá thấp nên cơ hội tăng giá cao hơn. Điều này được giải thích là do phương tiện truyền thông, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư thường dành nhiều sự chú ý đến cổ phiếu công ty lớn, nên giá cổ phiếu của những công ty này thường được định giá khá hợp lý, vì vậy chính các công ty nhỏ có nhiều khả năng bị định giá sai, thấp hơn giá trị thực do ít được chú ý.
Đi kèm với khả năng sinh lời thì các công ty nhỏ cũng thường có mức độ rủi ro cao hơn, đặc biệt với những công ty ở lĩnh vực mới mẻ. Để đánh giá tiềm năng của một công ty nhỏ cần có những tiêu chí, trong đó trình độ quản lý được xem là quan trọng nhất. Bởi vì ở các công ty lớn, bộ máy quản lý đã hoàn thiện, sự kiểm tra, giám sát và quản lý theo quy trình được xây dựng, còn ở công ty nhỏ gần như phụ thuộc vào một hoặc vài người lãnh đạo, do đó nếu những cá nhân này có trình độ yếu kém hoặc không đủ mức độ tin cậy thì nhà đầu tư không nên rót tiền.
Việc đánh giá năng lực quản lý của công ty nhỏ dễ hơn so với công ty lớn, do cơ hội để nhà đầu tư trực tiếp gặp mặt là nhiều hơn, bên cạnh việc đánh giá thông qua các thành tích đã đạt được.
Để quyết định đầu tư vào một công ty nhỏ thì ít nhất phải đánh giá được định giá của công ty ấy trên thị trường hiện tại có phù hợp hay không, so với những doanh nghiệp cùng ngành thì giá thấp hay cao, trong đó P/E là một trong những chỉ số quan trọng có thể sử dụng.
Phải đánh giá được tiềm năng phát triển của công ty trong tương lai, quy mô thị trường còn có thể phát triển được nữa hay không hay đã sắp bão hòa. Theo các chuyên gia đầu tư chứng khoán thì một doanh nghiệp có thị phần lớn trên một thị trường nhỏ sẽ tốt hơn nhiều khi có thị phần nhỏ trên thị trường lớn.
Nhà đầu tư cũng phải hiểu được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp ở đâu, lợi thế cạnh tranh ấy có dễ bị sao chép hay không. Nếu sản phẩm dễ bắt chước thì khó duy trì lâu, nhất là ở những thị trường còn yếu về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Lợi thế cạnh tranh được xem là một trong những yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp vươn lên.
Các doanh nghiệp lớn thường được định đúng giá trị, nên ít có cơ hội tăng giá đột biến. Ảnh: QH
Sự phát triển ổn định là rất cần thiết. Hãy rót tiền khi đảm bảo được doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững thay vì tăng quá nóng. Bởi vì nếu tăng trưởng ổn định thì giá trị cổ phiếu sẽ đi lên bền vững, còn tăng quá nóng thì giá cổ phiếu có thể tăng nóng theo, khi đó sẽ xuất hiện hiện tượng đầu cơ vốn không tốt cho hoạt động của doanh nghiệp và có thể sớm dẫn đến đổ vỡ.
Về yếu tố tài chính, phải đánh giá được nguồn vốn tiền mặt của công ty có được quản lý phù hợp hay không và khả năng thoát khỏi rủi ro như thế nào. Đầu tư vào các công ty nhỏ rủi ro cao nhưng lợi nhuận tiềm năng cũng rất hấp dẫn, tuy nhiên nhà đầu tư cần ưu tiên khả năng thu được cả vốn lẫn lãi khi doanh nghiệp bắt đầu có vấn đề.
Các cổ đông khác của công ty cũng là một trong những yếu tố cần xem xét, vì có thể làm tăng thêm giá trị, có thể giúp nâng cao trình độ quản lý bằng cách đóng góp kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, mở rộng mối quan hệ với các công ty khác hoặc gia tăng khách hàng, hình thành nên hệ sinh thái kinh doanh phù hợp, từ đó giúp doanh nghiệp tăng trưởng.
Điều quan trọng nhất là nhà đầu tư chứng khoán đảm bảo rằng đây không phải là một khoản đầu tư theo kiểu đánh bạc. Vì vậy, như đã nói, kiến thức chuyên môn về lĩnh vực hoạt động của công ty là rất cần thiết, từ đó sẽ giúp nhà đầu tư có những quyết định rót tiền hợp lý, cũng như quyết định thoái vốn khi cần thiết.