Các chỉ số chứng khoán đã trải qua giai đoạn dài tăng trưởng tích cực và ngày càng có những phiên tăng điểm mạnh, liên tiếp đạt mức cao mới. Tuy nhiên, tại các vùng chỉ số kỷ lục này, giá các cổ phiếu dẫn đầu có dấu hiệu giảm dần, trong khi các cổ phiếu penny xoay quanh vùng đỉnh với các phiên có khối lượng giao dịch rất lớn.
Thị trường chứng khoán thường đạt đỉnh khi lãi suất ở mức thấp và có thể có thêm các quyết định giảm lãi suất từ nhà điều hành, tuy nhiên khả năng giảm tiếp trong tương lai là khó có thể xảy ra. Song song đó, nền kinh tế lúc này đón nhận những số liệu tích cực, như tăng trưởng GDP ở mức cao, chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp, cán cân thương mại được cải thiện.
Tuy nhiên, những thông tin tốt tràn ngập như thế lại không kéo được thị trường tiếp tục đi lên mà chỉ hỗ trợ chỉ số loanh quanh tại vùng đỉnh, nhờ vào việc giữ giá các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ rơi rụng dần. Các cổ đông tổ chức cũng lần lượt đăng ký thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu trong khi cổ đông nội bộ là lãnh đạo và người thân lại liên tiếp đăng ký bán ra.
Nếu nhìn vào thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây, có thể thấy không ít điểm tương đồng, khi chỉ số VN-Index đã vượt 800 điểm sau gần 10 năm. Tuy nhiên tại vùng cao mới này, thị trường cho thấy dấu hiệu đà tăng đang suy yếu dần, bất chấp một số dự báo gần đây nhắc đến cơ hội quay lại vùng đỉnh 950 – 1.000 điểm.
Không những vậy, kết quả tăng trưởng GDP quý III bất ngờ đạt mức 7,46% cũng không hỗ trợ nhiều cho thị trường tiếp tục đi lên mạnh mẽ. Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% dù có thể đạt được trong năm nay, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu năm sau có thể tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như trên hay không khi mà những cải cách cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Thị trường chứng khoán được xem như phong vũ biểu của nền kinh tế, do đó thường phản ứng trước 6 tháng đến một năm diễn biến của nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, có thể đạt mục tiêu đề ra, cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, nguồn vốn FDI ổn định, tỷ giá được kiểm soát tốt. Trong bối cảnh như thế thì thị trường chứng khoán được hỗ trợ là lẽ dĩ nhiên, tuy nhiên nếu điều này không được duy trì hoặc có bất kỳ tín hiệu nào đảo chiều thì việc chốt lời sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Hồi tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành chủ chốt, tuy nhiên mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm được như kỳ vọng khi mà mục tiêu tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh lên 21% càng gây áp lực lên huy động vốn của các ngân hàng. Có vẻ như những động thái giảm lãi suất thời gian qua và chính sách tiền tệ nới lỏng đã thúc đẩy thị trường chứng khoán đi lên, tuy nhiên liệu nó có thể tiếp tục trong thời gian tới khi mà mặt bằng lãi suất như hiện nay dường như cho thấy đã tới điểm giới hạn?
Trong khi đó, việc tăng trưởng tín dụng nóng đang đưa đến những tiềm ẩn nợ xấu. Quá khứ đã cho thấy điều này và gần đây một loạt tổ chức quốc tế như WB, IMF cũng lên tiếng cảnh báo về rủi ro nếu chính sách tiền tệ nới lỏng quá lâu. Và khi chính sách tiền tệ không thể tiếp tục nới lỏng tất yếu sẽ gây áp lực giảm giá lên các thị trường tài sản là điều có thể thấy trước.
Hay nói cách khác, một khi những thông tin tốt liên tiếp tràn ngập nhưng thị trường không thể tiếp tục đi lên thì việc đảo chiều sẽ xảy ra, không sớm thì muộn.