Đâu là nguyên nhân chính khiến ô tô đồng loạt giảm giá đầu năm 2018?

Cuộc đua giảm giá từ năm 2017 vẫn chưa kết thúc. Nửa cuối năm 2017, tất cả các mẫu xe ăn khách nhất như Toyota Vios, Ford Ranger, KIA Morning hay Mazda3 đều giảm giá từ 20 – 80 triệu đồng tùy từng mẫu xe và phiên bản.

Bước sang năm 2018, hàng loạt hãng xe tiếp tục giảm giá. Mức giá giảm chỉ dao động trong khoảng vài chục triệu đồng. Đây có vẻ là một hình thức kích cầu để hâm nóng thị trường vào dịp Tết hơn là ảnh hưởng tích cực từ các chính sách thuế mới có hiệu lực từ 01/01/2018. Trên thực tế, Honda đã nhập về một lô xe CR-V đời mớ nhưng không đợi tới 1/1/2018 mà về ngay trước thời điểm đó để tránh các thủ tục theo quy định mới và chấp nhận đóng thuế cao.

PGS.TS. Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng nhu cầu mua xe tăng nhiều vào dịp đầu năm mới, gần Tết âm lịch nên các doanh nghiệp phải giảm giá để thu hút khách hàng.

Một số hãng công bố giảm giá khủng chủ yếu nhờ các gói phụ kiện đính kèm. Một số mẫu xe giữ nguyên giá mà chỉ thêm khuyến mại về bảo hiểm.

Ở phân khúc A, phân khúc xe cỡ nhỏ, KIA Morning giảm từ 4 – 6 triệu đồng. Hyundai Grand i10 tung ra chương trình khuyến mãi tết 2018 bằng việc giảm giá tiền mặt và tặng gói phụ kiện

Ở phân khúc B, mẫu xe ăn khách trên thị trường hiện nay là mẫu sedan hạng B của Honda City giảm 5 – 9 triệu đồng, tùy từng phiên bản. Bản City 1.5 và bản City 1.5 Top lần lượt giảm 9 triệu đồng và 5 triệu đồng, giá bán hiện tại của hai bản này là 599 triệu đồng. Honda city giảm giá để cạnh tranh với đối thủ là Toyota Vios – mẫu xe đang thống trị phân khúc sedan hạng B hiện nay. Ở các đại lý, mức giá thấp nhất của Vios chỉ còn 488 triệu đồng trong đợt khuyến mại đầu năm 2018.

Phân khúc hạng C cũng chứng kiến giá giảm nhẹ. Mazda 3 chỉ giảm từ 10 – 15 triệu đồng tùy phiên bản. KIA Cerato hỗ trợ 1 năm bảo hiểm vật chất và nhân sự như một hình thức giảm giá. Đáng chú ý là mẫu xe hạng Chevrolet Cruze giảm tới 80 triệu đồng.

Tiếp đến ở phân khúc hạng D, Mazda 6 giảm 10 triệu đồng xuống 839 triệu đồng đối với bản tiêu chuẩn. Đặc biệt, xe Nissan Teana giảm đến 191 triệu đồng, trước khi giảm giá đây là mẫu xe đắt nhất trong phân khúc hạng D. Được biết đây là động thái thể hiện sự quyết tâm cạnh tranh với các đối thủ ngay từ đầu năm 2018.

“Vua bán tải” Ford Ranger điều chỉnh giá bán giảm 10 – 20 triệu đồng, tùy phiên bản. Cạnh tranh với Ford Ranger, Chevrolet Colorado giảm 10 – 30 triệu đồng.

Một nhân viên kinh doanh của Mazda Việt Nam cho biết giá xe của các hãng chủ yếu không giảm nhiều, riêng có xe Chevrolet giảm mạnh hơn do thời gian này xe Chevrolet khó bán. Anh này cho rằng giá cả trên thị trường ô tô trong thời gian tới có thể tăng giảm tùy tình hình thực tế cung cầu. “Nếu Nghị định 116 hạn chế xe nhập khẩu thì xe trong nước lại được hưởng lợi, khi đó giá có thể lại tăng”, anh này cho biết.

TS. Ngô Trí Long cho biết ngành ô tô Việt Nam mới làm được những nhiệm vụ đơn giản, nên dù thuế nhập khẩu linh kiện ô tô giảm về 0% thì giá thành cũng chưa thể giảm mạnh. Hơn nữa, chi phí lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn cao hơn khu vực đến 20%. “Thị trường ô tô Việt Nam không mong giá rẻ, người Việt chỉ mong mua ô tô với giá hợp lý thôi”, ông Long nói thêm.

Vì sao nhập khẩu ô tô tăng vọt trong tháng 12, không chờ thuế suất về 0?

Bài viết mới