Giá đặt cao nhất là 10.500 đồng, giá đặt thấp nhất tương đương giá đấu thành công bình quân là 10.420 đồng. Trong đó, tổng số nhà đầu tư tham gia là 7 với 2 tổ chức và 5 cá nhân. Khối lượng đặt mua cao nhất đạt 13.650.000 cp.
Sáng ngày 13/02/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã tổ chức đấu giá bán cổ phần của Tổng Công ty Mía đường II – CTCP (Vinasugar II) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nắm giữ. Số lượng cổ phần được đem ra đấu giá là hơn 63,69 triệu cp, chiếm 93% vốn điều lệ của Vinasugar II. Đúng với kế hoạch, giá trúng bình quân bằng với mức giá khởi điểm 10.420 đồng/cp, ước tính giá trị mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thu về khoảng 664 tỷ đồng.
Về Vinasugar II, hiện công ty đường này có vốn điều lệ là 685 tỷ đồng. Được biết, Vinasugar II, trước năm 1975 tiền thân là Công ty Đường Việt Nam. Đến năm 2006 công ty hoàn thành việc sắp xếp để chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Đến tháng 6/2013, tổng công ty đã chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với tên gọi là Tổng công ty Mía đường II – CTCP có vốn điều lệ 685 tỷ đồng.
Lĩnh vực hoạt động chính của Vinasugar II là sản xuất đường, tinh bột, bao bì; dịch vụ kỹ thuật mía đường; dịch vụ tư vấn, đầu tư tài chính; kinh doanh thương nghiệp; kinh doanh nhà,… với các đơn vị thành viên như mía đường La Ngà, đường Bình Dương, liên kết với Vinasugar I, mía đường Hiệp Hòa,…
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu trong năm 2016 đạt 448,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 29,9 tỷ đồng; sản xuất 1,55 triệu lít cồn tinh luyện, 183 tấn CO2; kinh doanh 22.871 tấn đường các loại.
Về kế hoạch kinh doanh 2017, công ty đặt kế hoạch doanh thu 461,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16,5 tỷ đồng; đều giảm so với năm 2016; tỷ lệ chia cổ tức là 2,17%.
Vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, 2018 dự kiến sẽ rất khó khăn
Trao đổi bên lề buổi đấu giá, ông Lê Văn Đông – Chủ tịch HĐQT – cho biết hiện Công ty chưa có kế hoạch cụ thể về kết quả kinh doanh năm 2018 cũng như việc lên sàn chứng khoán. “Điều này phụ thuộc vào cổ đông sắp đến của Công ty”, ông Đông phân trần.
“Tuy nhiên, năm 2018 dự kiến tiếp tục là năm khó khăn cho ngành đường nói chung và Công ty nói riêng”, bổ sung bởi bà Bùi Thị Thanh Trà – Tổng Giám đốc Công ty.
Theo bà Trà, để giải quyết những khó khăn hiện nay của ngành đường, thứ nhất là Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, cho doanh nghiệp sản xuất cũng như người nông dân trong nước đủ sức cạnh tranh với đối thủ đáng gờm hiện nay là Thái Lan. Trong đó, bà Trà đặc biệt nhấn mạnh việc cân bằng hóa thuế suất đánh lên đường lỏng và đường mía, như thế mới tạo được cơ chế mạnh mẽ để giảm giá thành sản xuất, từ đó giảm giá bán.
Thứ hai là cơ giới hóa được cánh đồng mía, hiện nay theo bà Trà đây cũng là vấn đề rất nan giải của ngành đường Việt Nam. Cùng với đó, nhiều khó khăn khác đến từ đối thủ trong nước, thời tiết… cũng ảnh hưởng đáng kể đến thị trường đường năm 2018. “Song, tất cả rồi cũng sẽ có lối ra”, ông Đông nhấn mạnh.