Tới lúc này, qua thời điểm ấn định đã gần 1 tháng vẫn chưa thấy thực hiện, cũng không có thông tin ấn định lại thời gian cụ thể, các nhà đầu cơ bắt đầu lo lắng, sốt ruột bởi lượng vốn tồn đã kéo dài gần nửa năm.
Cơ hội tới, tranh thủ “ôm” hàng
Thời hạn thực hiện chuyển mạng giữ số đã qua gần 1 tháng so với thông báo rầm rộ hồi cuối năm 2017, song tới nay vẫn chưa có 1 thông tin chính thức về việc kế hoạch sẽ dời lại tới thời điểm nào. Sự chờ đợi không biết lịch cụ thể khiến nhiều người dùng từ chỗ háo hức mong đón cơ hội trải nghiệm đã trở nên thờ ơ.
Còn với các đại lý và các doanh nghiệp kinh doanh SIM, nỗi mong ngóng còn đi kèm với nhiều lo lắng, bởi họ đã trót đầu tư mạnh tay để gom hàng “chờ thời”.
Tất nhiên, đối với các doanh nghiệp có chút trường lực về kinh tế, việc đợi thêm 1 thời gian nữa vẫn có thể thực hiện được, song với các nhà đầu tư nhỏ, đặc biệt là nhiều chủ đại lý bán SIM cũng tham gia vào cuộc chơi này đang rất sốt rột vì số tiền vài trăm triệu là lượng vốn xoay vòng vô cùng quan trọng.
Trao đổi cùng PV Lao Động, 1 chủ đại lý trên đường Kim Mã (Hà Nội) thể hiện rõ sự sốt ruột: “Hồi tháng 9.2017, sau khi báo chí thông tin về việc sẽ thực hiện chuyển mạng giữ số từ 1.1.2018, tôi đã gom 1 lượng SIM số đẹp không nhỏ của 2 nhà mạng nhỏ (Vietnamobile và Gtel). Vì mình biết thông tin qua báo chí nên “vào sau”, vì thế, giá mình gom cũng tương đối cao hơn trước đó. Cứ tưởng “ôm” 3 tháng có thể “bung hàng”, ai ngờ đến nay vẫn chưa thực hiện.
Vốn xoay vòng hiện nay đang rất khó khăn bởi giáp Tết, nhu cầu hàng tăng cao mà mình không xoay sở kịp. Muốn bán tháo hàng đã gom ra thì lỗ nặng quá, mà “ôm tiếp” thì không biết đến bao giờ. Kiểu này không những không “trúng quả” như kỳ vọng, có khi còn “lỗ chổng vó” chứ chẳng đùa”. – ông chủ đại lý băn khoăn không biết nên làm thế nào cho phải.
“Nhanh nhảu quá”, cuối năm bí vốn
Không phải chỉ các đại lý ôm SIM chờ thời cơ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh SIM điện thoại cũng vì “nhanh nhảu” mà giờ đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Chị Bùi Thị Kim H. – giám đốc 1 doanh nghiệp chuyên kinh doanh SIM điện thoại – cho biết: “Hồi các nhà mạng như S- Fone, EVN Telecom sắp “khai tử”, thị trường lúc ấy sôi động lắm. Các doanh nghiệp thường ký hợp đồng với các nhà mạng mua cả lố lên tới vài chục tỉ đồng cho cả triệu SIM, trong đó bao gồm nhiều đầu số cực đẹp. Khi bán được 1 SIM tứ quý, ngũ quý, phát lộc…với giá vài chục, thậm chí vài trăm triệu cũng đủ lãi cho cả lố hàng.
Thế nên, đợt này chúng tôi cũng quyết định gom hàng chờ ngày chuyển mạng giữ số. Tuy nhiên, lần này, thị trường lặng hơn nhiều, không tranh gay gắt như dạo trước vì các chính sách quản lý SIM và thông tin chủ thuê bao khá chặt chẽ, tiêu thụ hàng cũng kém hơn.
Nhưng bỏ lượng tiền lớn ra gom hàng, giờ chúng tôi đang rất khó xoay vốn để kinh doanh khi Tết đang tới rất gần, nếu bán thì lỗ khoảng 30%, thậm chí bán tháo cắt lỗ có khi còn thiệt hại nhiều hơn, mà chờ thì chả biết đến khi nào. Trong khi nhu cầu mua sắm điện thoại mới tăng, chính sách khuyến mại của các nhà mạng nhiều, thưởng con cái có thành tích học tập tốt khi hết học kỳ I… mà mình bị đọng vốn không thể đầu tư nhiều hơn” – chị H. tiếc nuối.
Điều khiến các nhà đầu cơ này băn khoăn không chỉ đơn giản là việc đọng vốn, mà quan trọng hơn là họ bị phụ thuộc vào chính sách không rõ ràng của các cơ quan chức năng. Khi lịch chốt ngày chuyển mạng giữ số gần tới, dù biết chắc không thể triển khai nhưng không hề có 1 thông báo nào để người dân được biết.
Thậm chí, thông tin báo chí tiếp cận để tuyên truyền cũng rất hạn chế, đặc biệt là những người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính trong việc thông báo nguyên nhân và thời gian vì sao chưa triển khai. Khả năng chậm tiến độ hoàn toàn có thể hiểu được khi thực hiện những dự án có quy mô và tầm quan trọng như việc chuyển mạng giữ số – lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam.
Song, việc cung cấp thông tin bị động, hạn chế, mù mờ là điều khiến dư luận cảm thấy rất khó hiểu. Nhất là sau gần 1 tháng, vẫn chưa có ai có trách nhiệm thông báo hay khẳng định việc chuyển mạng giữ số sẽ chính thực thực hiện vào thời điểm nào.