Đất làm sân bay Long Thành bị ‘gom’ hết?

Dân nơi khác đổ xô mua đất Long Thành

Theo tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, tổng diện tích đất phải thu hồi để xây dựng sân bay vào khoảng 5,6 nghìn ha. Tổng số trường hợp bị thu hồi đất và bị ảnh hưởng, gồm 4.864 hộ gia đình với 15.557 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất. Để phục vụ tái định cư, Chính phủ dự kiến quy hoạch xây dựng 2 khu tái định cư, hướng tới xây dựng đô thị mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lại bày tỏ sự băn khoăn khi thực tế “người ở thành phố Hồ Chí Minh đổ về Đồng Nai mua đất, đăng ký hết rồi”. “Người dân ở Long Thành không ở được mà lên Đắk Lắk, Lâm Đồng ở để phát triển kinh tế. Còn đất ở Long Thành họ bán, cán bộ ta mua hết rồi”, Tướng Lê Chiêm thông tin.

Ngoài ra, Tướng Lê Chiêm cũng bày tỏ sự “nghi ngại” khi các con số trong báo cáo liên quan đến dự án sân bay Long Thành “đợt trước con số khác, giờ con số khác”.“Giá từ thời điểm ban đầu và đến bây giờ đã chênh gần 50% rồi. Mà ai chịu cái này? Nhà nước mình chịu chứ ai chịu, rồi nhân dân gánh chứ ai gánh”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh. Tướng Chiêm lo ngại, nếu không làm chặt chẽ, sau này Quốc hội biểu quyết về dự án với tỷ lệ tán thành 99%, Chính phủ làm theo hồ sơ trình ra thì rồi Quốc hội chịu khuyết điểm, mà “khuyết điểm của Quốc hội thì không có ai bị kỷ luật cả”.

Từ thực tế giải phóng mặt bằng dự án ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng cho rằng “toàn bán đi, bán lại, cuối cùng chỉ toàn là đất của cán bộ mua cả”. Ông Vinh cũng lo ngại tình trạng này sẽ xảy ra tương tự ở dự án Sân bay Long Thành. Theo đó, cán bộ các cấp mua nhà ở đấy, còn người trực tiếp sản xuất thì không phải là chủ đất. Từ đó ông Triệu Tài Vinh bày tỏ và đề nghị, làm rõ nội hàm hộ trực tiếp sản xuất với chủ đất để tránh vướng mắc sau này.“Tiền đền bù không rơi vào hộ trực tiếp sản xuất mà rơi vào hộ có đất”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang lưu ý.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt vấn đề: Nghị quyết 94 của Quốc hội khóa XIII về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có nêu trong 5.000 ha đất của dự án có 1.050 ha đất cho quốc phòng. Tuy nhiên lại chưa nêu rõ các công trình sẽ xây ở đây là gì. “Trừ những công trình quân sự quá bí mật, còn lại các công trình quân sự thông thường thì cần có sự giải trình, ít nhất là tại Quốc hội”, ông Trương Trọng Nghĩa nói và lưu ý đến tình trạng sử dụng chưa đúng mục đích đất quốc phòng ở TPHCM. “Chúng ta làm gì trên đất quốc phòng cũng đều phải nói rõ và phải khẳng định rõ chỉ dùng đất đó cho nhiệm vụ quốc phòng. Sẽ không có nhà hàng, khách sạn, sân golf… ở trên đất đó”, đại biểu Nghĩa nói.

Tiết kiệm chi tiêu, lấy tiền xây sân bay

Đề cập tổng số vốn để thực hiện dự án trên khoảng 23 nghìn tỷ đồng nhưng hiện mới bố trí được 5.000 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 18 nghìn tỷ đồng, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, chia sẻ băn khoăn của các đại biểu rằng “giải pháp bố trí vốn chưa rõ”. Ông Chính cũng nhắc lại rằng, tại kỳ họp Quốc hội trước ông đã đề xuất là phải tiết kiệm. “Hiện nay chúng ta chi thường xuyên tới 65% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 2,2 lần so với giai đoạn trước. Việc tăng chi chủ yếu vào chi lương và phụ cấp (chiếm tới hơn 58%), còn lại là chi hành chính”, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư thông tin.

Ông cũng cho biết, dự kiến chi năm 2017 là gần 1 triệu ngàn tỷ đồng. Nếu tiết kiệm được 1% thì chúng ta đã có 10.000 tỷ rồi. Năm 2011, Chính phủ ra nghị quyết tiết kiệm tới 10%. Vừa rồi một số tỉnh, thành phố tiết kiệm được, như Hà Nội 2 năm vừa rồi tiết kiệm được tới 4.000- 5.000 tỷ đồng. “Tôi đề nghị phải có chính sách tiết kiệm, phải thắt lưng buộc bụng, mà dư địa tiết kiệm trong chi thường xuyên là được. Cùng với các nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế, từ nay đến 2021 chúng ta giảm 10% biên chế trong số 4 triệu người ăn lương hiện nay. Chúng ta phải quyết tâm tiết kiệm. Chúng ta tiết kiệm 1% là có 10.000 tỷ, tiết kiệm 2% là có 20.000 tỷ để giải phóng mặt bằng. Chúng ta tiết kiệm mỗi năm 1%”, ông Chính đề nghị.

Cũng theo ông Chính, hiện nay chi tiêu vẫn còn rất lãng phí. Bộ Tài chính đưa ra tiết kiệm chi là sẽ giải quyết được. Mỗi địa phương chịu một chút, góp gió thành bão là làm được. Nếu không tiết kiệm thì sẽ không có nguồn để xây dựng sân bay Long Thành.

Hôm nay huyện Long Thành tổ chức họp báo

Dư luận xôn xao trước thông tin một đại biểu quốc hội nói đất huyện Long Thành (khu vực gần dự án sân bay Long Thành) Đồng Nai bị cán bộ mua hết để đầu cơ. Đồng thời có thông tin khác cho rằng, người sở hữu nhiều đất nhất tại khu vực được quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành là con của một cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục tại TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, ông P.B.T (SN 1990, ngụ tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) trực tiếp đứng tên nhiều lô đất trên địa bàn 6 xã nằm trong dự án sân bay Long Thành có diện tích hàng ngàn hécta. Chiều 27/10, ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) cho rằng, rất bất ngờ trước thông tin này. Ông Ân cho biết ngày 28/10 UBND huyện Long Thành sẽ có thông tin chính thức với báo chí về những vấn đề trên.

Mạnh Thắng

Bài viết mới