Buổi gặp gỡ được mở đầu bằng việc Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái thông tin về kết quả buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện với đại diện nhà đầu tư Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) và các thành viên trong Hội đồng cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Theo đó, tại buổi làm việc diễn ra vào hôm qua (20-9), Bộ trưởng yêu cầu hãng phim phải thực hiện tốt quy chế làm việc, xây dựng quy chế làm việc, phân công cán bộ rõ ràng, vị trí làm việc của từng nghệ sĩ, sắp xếp các phòng ban, sửa chữa trụ sở nơi làm việc. Không được cho thuê gì ở hãng phim mà phải tập trung cho làm phim.
Về phía nhà đầu tư chiến lược cũng đã nhận một số khuyết điểm, đồng thời hứa với Bộ trưởng sẽ cho ra đời những tác phẩm có giá trị, cụ thể là trong khoảng hai năm phải có tác phẩm nhân sự kiện 60 năm kỷ niệm ngày thành lập hãng phim.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng nêu lại quá trình dẫn đến cổ phần hóa hãng phim, bối cảnh cũng như những yêu cầu thực tế của việc này.
“Loại hình phim ảnh rất phức tạp, bởi nó liên quan đến di sản của mình. Chúng tôi lúng túng khi cổ phần hóa loại hình này. Liên quan đến di sản và tập thể nghệ sĩ nên chưa vội cổ phần hóa và nghiên cứu kỹ” – Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói.
Trước thắc mắc của nghệ sĩ cũng như công luận về việc nhà đầu tư sử dụng đất của hãng phim để cho mở nhà hàng, xây khách sạn, Thứ trưởng Ái chia sẻ tâm tư này đồng thời khẳng định: Theo quy định, hãng phim phải trình phương án sử dụng đất đai, phương án này phải phù hợp với phương án cổ phần hóa, có ý kiến của Bộ Tài chính, cụ thể là Cục Quản lý công sản, Bộ VH-TT&DL cũng trình ra UBND TP Hà Nội để xác định chỗ này đúng quy hoạch hay không, đúng theo phương án cổ phần hóa hay không. Theo cam kết đó đất của hãng phim chỉ để làm phim và dịch vụ phim chứ không phải làm khách sạn.
Cũng theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, nhà đầu tư đang phải trả nợ 21 tỉ tiền nợ thuê đất của hãng phim. Trước đây, 90% phim do hãng sản xuất đều do Nhà nước đặt hàng. Gần đây, Nhà nước cũng đặt hàng phim cho hãng nhưng do hãng chưa có tiền nên đã lấy tiền làm phim đặt hàng để chi thường xuyên, bởi vậy tiền vào phim theo Thứ trưởng là rất hạn chế. “Bộ biết chuyện này nhưng nếu siết lại thì hãng phim không có tiền để hoạt động” – Thứ trưởng Ái nói.
Đối với giá trị thương hiệu của hãng phim, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái dẫn chiếu nhiều quy định hiện tại, trong đó nhấn mạnh vẫn tính yếu tố thương hiệu nhưng phải có lãi trong vòng năm năm gần đây. Đối với hãng phim thì tình trạng lỗ đã kéo dài khoảng 20 năm. Bộ cũng tính đến phương án đánh giá giá trị truyền thống, lịch sử, đồng thời gửi công văn đề nghị Bộ KH&CN (đơn vị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ) và Bộ Tài chính để xin phương án về cách tính này.
“Hai bộ này nói hiện thời chưa có văn bản nào tính được giá trị truyền thống lịch sử. Chỉ có giá trị thương hiệu và lợi thế kinh doanh” – ông Ái cho biết.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định nhiều lần về việc sử dụng đất của hãng phim đã được quy định trong cam kết của nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa. Bởi vậy, chắc chắn đất đai ở đây chỉ được sử dụng vào mục đích làm phim và dịch vụ phim. Các cổ đông nhà nước tại hãng phim sẽ đảm nhận việc giám sát sử dụng, nếu phát hiện sử dụng sai mục đích sẽ kiến nghị với Bộ, Bộ sẽ kiến nghị với UBND TP Hà Nội để chấm dứt hoặc thu hồi đất, thậm chí là ra tòa.