Đánh thuế nhà thứ 2 trở lên: Chống đầu cơ bất động sản

Bộ Tài chính mới có đề xuất về việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở lên. Theo Bộ này, dù hiện nay có nhiều khoản thu liên quan đến bất động sản thông qua các chính sách thuế, phí và lệ phí nhưng chưa có thuế tài sản hoặc thuế bất động sản như thông lệ quốc tế.

Trong khi ở nhiều quốc gia, thu từ thuế tài sản là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Thuế tài sản được các nước đánh giá là loại thuế trực thu, có khả năng động viên tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì thuế đánh vào những tài sản cụ thể, nhất là nhà và đất.

Nhưng ở Việt Nam, chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho Ngân sách Nhà nước. Hiện thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,03% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách.

Chuyên gia cho rằng không nên đánh thuế người sở hữu nhà ở xã hội

Chuyên gia cho rằng không nên đánh thuế người sở hữu nhà ở xã hội

Một thực tế nữa là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây, từ 1.400 USD năm 2013 lên 2.200 USD năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD đến năm 2020 nên dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên.

Với những cơ sở kể trên, Bộ Tài chính đánh giá, việc nghiên cứu, ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết trong thời điểm hiện nay. Điều này vừa giúp xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, vừa góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản.

Ngăn tích trữ đầu cơ bất động sản

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia bày tỏ đồng thuận khi cho rằng, quyết định đánh thuế như trên là phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn xuất hiện tình trạng đầu cơ, số người sở hữu từ 2 căn hộ, tài sản bất động sản trở lên chiếm số lượng không nhỏ.

Đặc biệt, việc áp thuế này sẽ chỉ tác động đến những người có nhiều tiền, sở hữu nhiều nhà, còn người nghèo thì không bị ảnh hưởng. Nhưng cũng có ý kiến nhận định, cần phải cân nhắc, bởi áp thuế nhà thứ 2 trở lên sẽ gây ra những bất công giữa người sở hữu ít nhà nhưng có diện tích lớn với người có nhiều nhà nhưng có diện tích nhỏ hẹp.

Vì theo như quan điểm của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), không nên thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà tái định cư; nhà thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng hoặc nhà cấp 4 trở xuống. Đồng thời, không thu thuế này đối với các hộ gia đình mua thêm nhà thứ 2, thứ 3… nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này dưới 200 m2 để như vậy mới đảm bảo tính công bằng, hợp lý.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính khi cho rằng, việc đánh thuế bất động sản dạng này sẽ chỉ tác động đến người giàu, còn người nghèo sẽ không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên ông Đực cũng lưu ý, để xác định được nhà thứ hai, thứ ba để đánh thuế chủ sở hữu hoàn toàn không phải đơn giản, vì người mua có thể nhờ người thân hoặc bạn bè đứng tên. Trong khi đó, để mua nhà người dân đã phải nộp nhiều loại thuế, phí khác nhau. Do đó, nếu thực hiện thu thuế tài sản như đề xuất nói trên, cơ quan ban hành cần củng cố cơ sở vững chắc, tránh việc người dân hiểu sai theo kiểu “thuế chồng thuế”.

“Nếu như đánh thuế lũy tiến vào trường hợp nhiều nhà thì chắc chắn sẽ chống được đầu cơ”, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định điều này và cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thu thuế theo hình thức này từ lâu.

Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, cách đánh thuế này sẽ khiến người sở hữu nhiều nhà sẽ từ bỏ ý định tích trữ nhà, người đầu cơ khi thấy thuế phải nộp rất cao sẽ hạn chế đầu cơ. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có sự chuyển động theo hướng ổn định hơn, phản ảnh đúng nhu cầu thật của người tiêu dùng./.

Thuế căn nhà thứ 2: Chắc chắn sẽ thu, người có 2-3 nhà trở lên cần làm gì?

Bài viết mới