Điều gì đang diễn ra?
Thương mại công bằng (fair trade) là một trong những chính sách tranh cử của ông D.Trump để giúp nước Mỹ đòi lại lợi ích kinh tế đã bị mất từ những thoả thuận thương mại trong quá khứ. Và Trung Quốc – với khoản thâm hụt 370 tỷ USD – là một trong các quốc gia mà Mỹ muốn đòi hỏi sự công bằng nhất.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc bắt đầu xuất hiện vào tháng 3/2018 khi tổng thống Trump ký một Bản ghi nhớ áp đặt mức thuế mới đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 60 tỷ USD. Ngay lập tức Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới 25% với 106 mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ với giá trị hàng hoá cũng lên tới 50 tỷ USD. Sau đó, Tổng thống Trump cho biết có thể cân nhắc đánh thuế bổ sung lên các hàng hoá trị giá 100 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)
Những căng thẳng này dường như được hạ nhiệt sau chuyến thăm Mỹ vào tháng 5/2018 của Lưu Hạc – Phó thủ tướng Trung Quốc – sang Mỹ và hai bên đạt được thoả thuận “giảm căng thẳng thương mại” khi Trung Quốc tuyên bố giảm thuế nhập khẩu đối với xe hơi của Mỹ cũng như gia tăng quy mô mua sắm hàng hoá Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy hai tuần, ngày 15/6, Tổng thống Trump cho biết sẽ áp thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc với đợt áp thuế đầu tiên có hiệu lực vào ngày 6/7, 818 mặt hàng có trị giá 34 tỷ USD sẽ bị áp thuế 25%. Ông Trump đe dọa sẽ nâng trị giá này lên cao nếu Trung Quốc áp thuế trả đũa.
Chỉ hơn một tiếng sau tuyên bố của ông Trump, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng sẽ áp thuế đáp trả với quy mô tương tự nhằm vào các mặt hàng nông nghiệp, ôtô và năng lượng của Mỹ.
Đến ngày 18/6, ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế 10% thêm nhiều sản phẩm khác của Trung Quốc, với tổng trị giá lên tới 200 tỷ USD. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng ngay lập tức ra tuyên bố cho rằng động thái của Mỹ là “hăm dọa tống tiền” và dọa trả đũa mạnh.
Xa hơn căng thẳng thương mại
Việc giảm thâm hụt thương mại với con số 375 tỷ USD/năm xuống mức 100 tỷ USD là điều bất khả thi nhất là trong bối cảnh thương mại và sản xuất đều đã được toàn cầu hoá. Vậy đằng sau những căng thẳng thương mại này là gì? Có phải Mỹ thật sự cần giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc hay không? Có lẽ, các nguyên nhân phi thương mại mới là lý do thực sự của đợt căng thẳng kéo dài và rất nhất quán này.
Trước hết, như Tổng thống Trump tuyên bố, các việc ông đang làm là để “thực hiện các lời hứa khi tranh cử”, trong đó có lời hứa về tạo dựng quan hệ thương mại công bằng hơn với Trung Quốc.
Thứ hai, điều này nhằm trả đũa những hoạt động sách nhiễu của Chính phủ Trung Quốc đối với doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Trung Quốc.
Thứ ba, quan trọng hơn, đây là cách Mỹ sử dụng để đáp trả vấn đề Trung Quốc xâm phạm sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ. Căng thẳng thương mại chỉ là cái cớ để Mỹ chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh kế tiếp trong tương lai gần, khi mà bằng việc mua hoặc “chiếm đoạt” công nghệ Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược” như báo cáo An ninh chiến lược quốc gia năm 2018 của Mỹ xác định.
Chúng ta vẫn còn nhớ năm 2017, chính Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh để Đại diện thương mại Mỹ tại Trung Quốc thu thập các bằng chứng về việc Trung Quốc đã vi phạm sở hữu trí tuệ và gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Một báo cáo cho biết thiệt hại mà Mỹ phải chịu khi sở hữu trí tuệ bị Trung Quốc vi phạm là 600 tỷ USD/năm.
Hôm 15/6, một quan chức Chính phủ Mỹ nói rằng Mỹ muốn Trung Quốc tiến hành các thay đổi cấu trúc trong chính sách công nghệ của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ muốn Bắc Kinh phải dừng bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh của Trung Quốc.
Những tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo cho Trung Quốc sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường toàn cầu. Chẳng hạn, Huawei đã vượt qua Nokia và Ericsson để trở thành hãng sản xuất thiết bị thông tin viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Samsung, Qualcomm trong lĩnh vực phát triển mạng viễn thông 5G.
Năm 2004, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Samuelson đã nói rằng: nếu Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mà Mỹ có ưu thế thì trong tương lai, thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là mang áo sơ-mi đổi máy bay mà là mang máy bay đổi máy bay.
Trung Quốc tổn thất khi căng thẳng kéo dài
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất mốc 3.000 điểm, sàn giao dịch Thượng Hải mất 4% còn Thâm Quyến mất 5% chỉ một ngày sau tuyên bố 18/6 của Tổng thống Trump. Nhưng điều này chưa phản ánh hết những khó khăn lâu dài mà Trung Quốc phải đối diện khi căng thẳng kéo dài.
Ảnh: Reuters.
Đầu tiên, điều khiến Trung Quốc lo lắng là cách làm của Mỹ có thể dẫn đến việc làm tương tự của EU khi mà chính liêm mình châu Âu cũng nhiều lần bất bình trước chính sách đối xử với doanh nghiệp FDI của Trung Quốc. Và lo lắng này không phải vô căn cứ. Ngày 1/6, EU bất ngờ “tặng quà” cho Trung Quốc bằng việc khởi kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì cho rằng nước này đặt ra một quy định trái phép, ép buộc các công ty châu Âu phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc như là điều kiện để được quyền làm ăn ở thị trường 1,4 tỷ dân này.
Tiếp theo, tổn thất lớn nhất với Trung Quốc trong cuộc đấu tay đôi với Mỹ là nếu các bất đồng thương mại và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ chậm được giải quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ và EU công nhận là nền kinh tế thị trường.
Cuối cùng, cánh cửa đầu tư vào thị trường Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm 2018, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ chỉ đạt 1,8 tỷ USD (giảm tới 92% so với năm ngoái) và ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc cũng đã phải bán 9,6 tỷ USD tài sản ở Mỹ trong cùng thời gian. Điều này không chỉ phản ánh lo ngại của nhà đầu tư Trung Quốc mà còn cho thấy Uỷ ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã rất mạnh tay trong các hoạt động giám sát luồng vốn Trung Quốc.
Việt Nam vào tầm ngắm
Rủi ro thực sự của các cuộc chiến thương mại là tạo ra tác động lan toả chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi một nhóm nước. Hơn thế, đụng độ của hai cường quốc sẽ tạo ra tiền lệ để các nước khác làm theo trong bối cảnh kinh tế các nước đều có xu hướng quay về chủ nghĩa bảo hộ và đề cao chủ nghĩa dân tộc. Sự đảo lộn của môi trường thương mại toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của tất cả các quốc gia.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam ít chịu tác động từ căng thẳng này vì các ngành Mỹ trừng phạt Trung Quốc đều không phải là ngành mà Việt Nam tham gia xuất khẩu hàng hoá đầu vào nhiều sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc các biện pháp trừng phạt được mở rộng sang nhiều ngành hàng khác sẽ có thể có tác động không ngờ tới. Chẳng hạn, dưới thời Tổng thống Trump, thuế chống lẩn tránh đã được đặt ra để “lần theo” dòng vốn của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài nhằm tránh các trừng phạt của Mỹ.
Điều này sẽ đặt các nước thứ ba vào tầm ngắm của lệnh trừng phạt nếu hàng hoá xuất khẩu từ các nước này không chứng mình được xuất xứ “không có liên quan đến Trung Quốc”. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam có thể sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc cải thiện quy mô và chất lượng xuất khẩu của mình.
* Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)