Đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa Uber/Grab với taxi truyền thống?

Là một mô hình trong kinh tế chia sẻ, hoạt động ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (Uber/Grab) đã cho thấy sự đa dạng trong cung cấp dịch vụ vận tải bắt nhịp xu hướng công nghệ hiện đại với nhiều tiện ích, giá hấp dẫn.

Tuy nhiên, đây cũng là hình thức mới lần đầu xuất hiện tại Việt Nam nên đã bộc lộ một số hạn chế. Phóng viên (PV) TTXVN có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ xung quanh vấn đề này.

BNEWS: Bộ Giao thông Vận tải đánh giá thế nào về hiệu quả kinh tế – xã hội cũng như sự tham gia của loại hình taxi công nghệ như Uber, Grab… đối với dịch vụ giao thông vận tải hiện nay?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận đúng loại hình đang thí điểm. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm 5 loại hình, đó là kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định; kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định; kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền; kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải và kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình, địa điểm du lịch.

Trong trường hợp các đơn vị vận tải hoạt động theo đúng các loại hình nêu trên và chấp hành đầy đủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh được quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải và Thông tư hướng dẫn số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải mà có sử dụng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và hiệu quả của doanh nghiệp thì Bộ Giao thông Vận tải luôn đồng tình ủng hộ, khuyến khích thực hiện.

Loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng quy định trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP đang thực hiện với hình thức hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy. Riêng đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với loại xe dưới 9 chỗ ngồi thì Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử.

Việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng vận tải hành khách bằng giấy (hay còn gọi là nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử) là bản chất của việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Bản chất của việc thí điểm này là thay hợp đồng giấy bằng ứng dụng hợp đồng điện tử cho xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng loại dưới 9 chỗ, không phải là loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi. Do vậy, đây là Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cho xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng giấy, vì vậy không gọi là loại hình taxi công nghệ như mọi người thường gọi.

Tính đến thời điểm hết tháng 7/2017, đã có 10 đơn vị: Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car), Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber)… triển khai các Đề án thí điểm theo quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Như vậy, ngoài Uber và Grab thì đã có đến 8 đơn vị của Việt Nam thực hiện thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được đề xuất của 5 công ty có đề án gửi về Bộ và Bộ đã có văn bản đề nghị các các đơn vị gửi Đề án đến địa phương mà công ty xin được thí điểm để có ý kiến chính thức bằng văn bản; trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét, quyết định. Tính đến thời điểm hiện nay, các Đề án thí điểm đã được triển khai tại 4/5 tỉnh thành phố, gồm: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh (từ tháng 1/2016 đến nay) đã có 10 đơn vị cung cấp phần mềm chính thức tham gia thí điểm, có 905 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 29.810 xe tham gia thí điểm.

Về hiệu quả, khi áp dụng công nghệ vào hoạt động vận tải sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện; bảo đảm được các điều kiện đối với phương tiện; nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử được đáp ứng.

Việc thanh toán với người thuê vận tải (hành khách) được công khai minh bạch, biết trước được các thông tin về hành trình và khoản tiền phải chi trả cho chuyến đi (giá trị hợp đồng). Đặc biệt là công tác thu nộp thuế của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải được kiểm tra, hướng dẫn để chấp hành tốt hơn.

Xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử không chịu sự ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế phạm vi hoạt động như xe taxi.

Đối với hành khách, việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại như: lựa chọn phương tiện, biết được thông tin của lái xe (tên, số điện thoại), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện. Bên cạnh đó, có thể giám sát đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của đơn vị với lái xe, chia sẻ giám sát chuyến đi khi khách hàng muốn sử dụng nhằm nâng cao an toàn cho hành khách.

Ngoài ra, việc ứng dụng này có ý nghĩa lớn đối với đơn vị tham gia thí điểm, đó là hiệu quả về hoạt động kinh doanh vận tải được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thí điểm đánh giá rất cao, nhờ ứng dụng công nghệ nên các đơn vị vận tải nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát đối với lái xe, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải… Hiệu quả rõ rệt nhất là rút ngắn được thời gian chờ xe đến đón đối với mỗi chuyến đi của hành khách dưới 5 phút và đạt được tỷ lệ số km xe chạy có khách gần 90% (Theo báo cáo của Công ty TNHH GrabTaxi, tại Hà Nội, hệ số sử dụng quãng đường đạt 88,1%; tại Tp. Hồ Chí Minh, hệ số sử dụng quãng đường đạt 89,6%).

Bên cạnh đó, loại hình này thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời thúc đẩy việc đổi mới, ứng dụng công nghệ trong các đơn vị vận tải để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông, góp phần triển khai tốt việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

BNEWS: Thực tế, trong thời gian cho thí điểm hoạt động Uber, Grab nhiều ý kiến cho rằng đang có sự cạnh tranh không lành mạnh với loại hình taxi truyền thống cũng như gây áp lực cho hạ tầng giao thông. Vậy, Bộ Giao thông vận tải sẽ có giải pháp như thế nào đối với loại hình này?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng đã đạt được kết quả nhưng bên cạnh đó còn một số hạn chế.

Cụ thể, bên cạnh những đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện thí điểm đã chấp hành tốt các quy định hiện hành của Bộ Giao thông Vận tải thì còn có hiện tượng một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành đúng các quy định hiện hành, như: không có phù hiệu xe hợp đồng; ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định; không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định. Ngoài ra, do tính hữu ích của phần mềm điều hành và ưa thích sử dụng của khách hàng dẫn đến cầu tăng, đồng nghĩa tăng về cung vận tải dẫn đến số lượng phương tiện tăng nhanh.

Các phương tiện tham gia thí điểm được xác định là xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản (xe hợp đồng), do vậy không chịu sự ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế phạm vi hoạt động như xe taxi dẫn đến công tác tổ chức giao thông trong đô thị chưa đạt hiệu quả cao. Đối với các vấn đề này, gần đây Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo và đã đề xuất các giải pháp.

Theo đó, trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện quản lý tốt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu xây dựng Đề án tham gia thí điểm bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh; Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tham gia thí điểm thực hiện nghiêm túc Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm phối hợp với lực lượng Công an, cơ quan Thuế, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế..

Về biện pháp quản lý lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ; trong đó đưa một Chương quy định đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý hoạt động vận tải bằng xe hợp đồng (được phép sử dụng hợp đồng điện tử tương đương hợp đồng bằng văn bản) nhằm quản lý và gắn trách nhiệm đối với 4 đối tượng liên quan.

Các đối tượng gồm: Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ hoạt động vận tải, người lái xe, hành khách; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Sở Giao thông Vận tải liên quan đến hoạt động này…

BNEWS: Xin Thứ trưởng cho biết về góc độ quản lý, cần có cơ chế, chính sách gì để vừa tạo điều kiện thu hút các nguồn lực phát triển dịch vụ vận tải có ứng dụng công nghệ như mô hình của Uber, Grab vừa tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động giữa các loại hình vận tải?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Với quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải luôn hoan nghênh Uber, Grab cũng như các doanh nghiệp khác hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải cũng luôn khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực vận tải nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ thông tin để hỗ trợ kinh doanh nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, đồng thời giảm chi phí cho xã hội và góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Theo đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng khoa học – công nghệ hỗ trợ công tác điều hành, hỗ trợ hoạt động vận tải đã được người dân đánh giá rất cao, ngày càng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Qua đó cho thấy sự bình đẳng, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, bảo đảm công khai giữa các đơn vị vận tải cũng như đơn vị cung cấp ứng dụng khoa học – công nghệ.

Chính vì vậy, một số địa phương đã có báo cáo đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thực hiện ứng dụng hợp đồng điện tử trên địa bàn để tăng cường thuận lợi và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy đơn vị vận tải phát triển… Bộ Giao thông Vận tải cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất này.

BNEWS: Xin cảm ơn Thứ trưởng !

Bài viết mới