Đài Loan rót 407 triệu USD vào Việt Nam, con số này nói lên điều gì?

Trong năm 2022, vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực sản xuất từ Đài Loan đạt hơn 215 triệu USD. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, Đài Loan đứng thứ hai về đầu tư FDI vào Việt Nam với khoảng 407 triệu USD.

Ảnh minh hoạ

Số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến giữa năm 2022, Đài Loan đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Theo dữ liệu của Savills Việt Nam, riêng trong năm 2022, vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực sản xuất từ Đài Loan đạt hơn 215 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư của thị trường này vào Việt Nam lên hơn 1,35 tỉ USD.

Các dự án của Đài Loan chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và bất động sản. Trong hai tháng đầu năm 2023, Đài Loan đứng thứ hai về đầu tư FDI vào Việt Nam với khoảng 407 triệu USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, cho biết Đài Loan có một lịch sử đầu tư lâu dài tại Việt Nam suốt hơn 30 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản.

Trong những năm đầu tiên Việt Nam áp dụng chính sách mở cửa với FDI, chi phí lao động thấp là động lực quan trọng giúp thu hút các nhà sản xuất lớn của Đài Loan trong lĩnh vực may mặc và giày dép gia nhập thị trường. “Ngày nay, khi các nhà đầu tư này tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam, chúng tôi cũng nhìn thấy dòng vốn mới từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao từ Đài Loan hay Ấn Độ. Thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều dự án thành công được phát triển bởi các nhà đầu tư Đài Loan”, ông Neil MacGregor nói.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, thế mạnh của các nhà đầu tư Đài Loan khi bước vào thị trường Việt Nam là nguồn lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm kinh doanh và phát triển sản phẩm, nguồn khách hàng có sẵn và chi phí tài chính thấp hơn.

“Chúng tôi thấy rằng đây là một sự kết hợp rất tốt giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay”, chuyên gia của Savills nhận định.

Bất động sản công nghiệp được đặc biệt quan tâm

Ghi nhận của Savills cho thấy các nhà đầu tư thuộc nhóm ngành sản xuất, công nghiệp và quỹ đầu tư gia đình là những đơn vị thể hiện sự hứng thú đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau, kéo theo sự quan tâm đặc biệt đến phân khúc bất động sản công nghiệp và thương mại.

Ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam, cho biết Đài Loan đã đóng góp 215 triệu USD vốn FDI đăng ký mới vào ngành sản xuất tại Việt Nam trong năm 2022. Điều này cho thấy nhu cầu về các sản phẩm bất động sản công nghiệp của nhà đầu tư Đài Loan tại Việt Nam luôn ở mức cao.

Giữa tháng 2 vừa qua, gã khổng lồ Foxconn đã đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất ngoài Trung Quốc thông qua việc thuê thêm một khu đất 45ha với giá trị đầu tư 62,5 triệu USD để mở nhà máy tại Bắc Giang.

Nhận xét về nguồn cung đất công nghiệp tại Việt Nam hiện nay, ông Campbell cho biết đến nay, số khu công nghiệp thực tế đã công bố là 406, trong đó 361 dự án nằm ngoài khu kinh tế, 37 dự án thuộc các khu kinh tế và 8 dự án điện công nghiệp khác nằm trong khu kinh tế cửa khẩu.

Theo ông John Campbell, mặc dù vài năm qua là giai đoạn nhiều thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến lên trong chuỗi giá trị khi lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng mạnh bất chấp tình trạng suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang các ngành và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng các dự án cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ về giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực và đổi mới khoa học kỹ thuật là điều cần thiết để có một lực lượng lao động lành nghề, mạnh mẽ trong tương lai.

Bài viết mới