Không quá khi nói rằng những tháng vừa qua, Mark Zuckerberg bị nhấn chìm trong những phiên điều trần. Sau lưỡng viện Mỹ, Nghị viện châu Âu, cuộc họp cổ đông thường niên của Facebook cũng chẳng khác gì một phiên điều trần, với hàng loạt câu hỏi từ các nhà đầu tư. Và cách Zuckerberg trả lời cũng chẳng có gì khác biệt.
Vấn đề tài khoản giả và các bài viết tiêu cực là điều rất được các cổ đông quan tâm. Họ yêu cầu các thành viên hội đồng quản trị trả lời về cách thức họ sẽ làm để ngăn chặn những tử huyệt, có thể ảnh hưởng tới sự tồn tại của Facebook. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến yêu cầu Facebook thúc đẩy cải cách quản trị doanh nghiệp, thành lập hội đồng để đánh giá và giám sát rủi ro đối với các hoạt động kinh doanh của mình cũng nhưa đưa ra báo cáo về chính sách nội dung trên mạng xã hội này.
Đáp lại hàng loạt những lời chỉ trích từ phía các nhà đầu tư, Mark Zuckerberg và ban giám đốc đã phớt lờ những lo ngại về khả năng quản trị của công ty cũng như lời yêu cầu minh bạch hơn với các hoạt động tuyển dụng của Facebook. Zuckerberg dành phần lớn thời gian để nói về sự thay đổi của Facebook trong thời gian gần đây và những gì họ đã làm được trong việc chặn tài khoản giả mạo, lan truyền tin tức không đúng sự thực và những bài viết vi phạm quy tắc mà mạng xã hội này đặt ra.
Tuy nhiên, Zuckerberg chẳng nói điều gì mới ngoài những thứ đã được ông lặp đi lặp lại trong các phiên điều trần ở cơ quan lập pháp Mỹ và châu Âu. Dẫu vậy, điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là sự gián đoạn. Đại hội cổ đông thường niên của Facebook thường xuyên bị đứt quãng bởi những sự phản đối hay quá khích của một bộ phận người tham dự.
Zuckerberg kiểm soát 60% quyền biểu quyết tại Facebook, điều đó đồng nghĩa với việc nhà sáng lập có toàn quyền trong mọi vấn đề. Chính vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi toàn bộ số giám đốc của Facebook đều được chọn lựa dễ dàng.
Cuộc họp cổ đông của Facebook diễn ra trong bối cảnh mạng xã hội lớn nhất hành tinh vẫn đang phải vật lộn với các vụ bê bối. Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, một nhóm có liên quan tới Nga đã tấn công Facebook nhằm gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng. Mạng xã hội này cũng bị dùng để truyền bá thông điệp thù địch và ủng hộ việc bức hại các cộng đồng thiểu sổ ở một số nơi.
Gần đây nhất, Facebook lún sâu vào bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng, vốn bị Cambridge Analytica lạm dụng để gây ảnh hưởng tới cuộc đua vào Nhà Trắng. Theo đó, 87 triệu người dùng đã bị lộ thông tin cá nhân, điều giúp Cambridge Analytica sử dụng để truyền bá những luồn thông tin có thể ảnh hưởng tới việc lựa chọn tổng thống.
Zuckerberg thừa nhận trong quá khứ, công ty đã không thực sự tập trung giải quyết các vấn đề như thế nhưng bây giờ đã khác. Facebook đang xóa hàng trăm triệu tài khoản giả với 20.000 nhân viên ngồi xem các nội dung được đăng tải trên mạng xã hội này. Facebook cũng đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định những bài đăng và tài khoản vi phạm quy tắc. “Những biện pháp đó sẽ có tác động rất tích cực để dịch vụ của chúng tôi tốt hơn”, Zuckerberg nhận định.
Nhà sáng lập cũng nhấn mạnh Facebook không chỉ tìm cách ngăn chặn điều xấu mà còn đang giúp mọi người kết nối với nhau hơn.