Khách hàng lớn nhất của Appleby, một trong những cái tên trung tâm của Hồ sơ Thiên đường mới rò rỉ, là Glencore PLC. Đây là một trong những tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới với doanh thu ghi nhận năm 2016 hơn 170 tỉ USD. Tập đoàn xếp thứ 16 trong danh sách Fortune 500 công ty lớn nhất toàn cầu này chi cho Appleby 1,5 triệu USD/năm để cai quản hàng chục công ty con đặc biệt của mình.
“Căn phòng Glencore”
Bên trong văn phòng của Appleby ở Bermuda có một “Căn phòng Glencore”. Năm 1998, Glencore quyết định thiết lập “hiện diện vật chất rõ ràng” cho hàng chục công ty của mình ở Bermuda vốn nắm giữ số tài sản hơn 10 tỉ USD. Đó là lý do “Căn phòng Glencore” chào đời tại văn phòng Appleby.
Theo Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) – đơn vị chủ trì cuộc điều tra Hồ sơ Thiên đường rúng động với hơn 13,4 triệu tài liệu rò rỉ – “Căn phòng Glencore” chẳng có gì nhiều để xem. Nằm đối diện một phòng tắm của phụ nữ và gần căn bếp, văn phòng thuộc về khách ruột của Appleby này chỉ có một tủ tài liệu, máy tính, điện thoại cố định, máy fax và một tập chi phiếu. Năm 2009, chỗ này từng được trưng dụng để tổ chức tiệc. Sơ sài là vậy nhưng đây lại là nơi nắm giữ rất nhiều bí mật.
Những tài liệu về Glencore trong Hồ sơ Thiên đường – gồm thư điện tử mật, biên bản họp, điện tín về tái cấu trúc thuế, hợp đồng vay nợ hàng tỉ USD, thỏa thuận buôn bán… – đã cho thấy cách thức mà một “gã khổng lồ” toàn cầu, với sự tiếp tay của một hãng thuế nước ngoài, lợi dụng các thiên đường tài chính để che giấu các thỏa thuận sinh lời bí mật. Tài liệu bị rò rỉ từ Appleby cho thấy tập đoàn có trụ sở ở Thụy Sĩ này đã chuyển hàng triệu USD qua Bermuda cũng như các thiên đường thuế khác để chống lại những vụ kiện tụng và hóa đơn thuế ở châu Âu, Caribe.
Suốt nhiều năm qua, các nhà điều tra đã nỗ lực để có một cái nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa Glencore và tỉ phú Israel Daniel Gertler – vốn có quan hệ với nhiều nhân vật quyền lực của Cộng hòa Dân chủ Congo, người từng giúp Glencore tiếp cận mỏ cobalt “khủng” Katanga. Những tiết lộ mới được phơi bày trong hơn 1.000 trang tài liệu của Hồ sơ Thiên đường về Glencore cho thấy họ đã bí mật cho công ty của tỉ phú Gertler mượn 45 triệu USD, trong khi ông này giúp Glencore thương thảo về mỏ Katanga với giới chức Congo.
Làm ăn mạo hiểm
Bất kỳ ai muốn thành lập một doanh nghiệp (DN) ở nước ngoài vì bất kỳ lý do nào đều phải tìm hiểu luật và quy định ở nước đó. Vì thế, họ sẽ cần luật sư. Đó là lúc Appleby xuất hiện.
Website của Appleby tự giới thiệu hãng này chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý ở nước ngoài cho các DN, cơ quan tài chính và cá nhân giàu có trên toàn cầu. Công việc này không tránh khỏi qua lại với các khách hàng có lai lịch “phức tạp”, tai tiếng hoặc động cơ mờ ám. Cũng như “anh em” trong nghề, Appleby dùng một thuật ngữ cho các khách hàng tiềm năng như vậy là PEP.
PEP là người có lý lịch nổi tiếng trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự hay tư pháp. Với vị trí và tầm ảnh hưởng lớn như vậy, khả năng sa ngã vào tham nhũng hay hối lộ có phần lớn hơn. Ngoài ra, những thành viên gia đình gần gũi với PEP cũng được gọi là PEP. Hồ sơ Thiên đường đã vạch trần ít nhất 150 chính khách, lãnh đạo DN và người nổi tiếng thuộc tầm cỡ PEP như vậy trên khắp thế giới là khách hàng của Appleby.
Những đồng nghiệp trong lĩnh vực luật liệt Appleby vào cái gọi là “vòng tròn ma thuật” của các hoạt động pháp lý. Theo dữ liệu từ tạp chí Lawyer, khách hàng DN của Appleby có nhiều cái tên đình đám như Barclays Group, Citibank, Goldman Sachs, HSBC Bank… Trang web của Appleby nêu bật các giải thưởng mà hãng giành được và xếp “loại 1” trong các danh bạ pháp lý, là một trong những hãng luật nước ngoài hàng đầu. Appleby được vinh danh là công ty nước ngoài của năm 2015 do trang Legal 500 của Anh bình chọn.
Theo BBC, hoạt động đầu tiên của Appleby bắt đầu ở Bermuda vào những năm 1890. Khoảng 120 năm sau, nó đã trở thành một trong những công ty luật lớn nhất, được biết tới nhiều nhất trong lĩnh vực này. Appleby có khoảng 470 nhân viên, với 60 đối tác và 10 văn phòng khắp thế giới. Các chi nhánh của hãng rải khắp nơi, như Bermuda, Isle of Man, Jersey, Guernsey, British Virgin Islands, Cayman Islands, Mauritius, Seychelles… và hiện diện ở cả Hồng Kông, Thượng Hải.
Trước khi Hồ sơ Thiên đường rò rỉ, Appleby đã có tiếng là nghiêm khắc. Những tài liệu mới tiết lộ này cũng chứa đựng không ít nội dung nêu chi tiết về yêu cầu tuân thủ quy trình nghiêm ngặt đối với nhân viên Appleby khi xử lý các công việc liên quan tới PEP.
Tuy nhiên, cũng theo Hồ sơ Thiên đường, trước khi tài liệu “bom tấn” này được tung ra, Appleby đã tỏ ra lo lắng về tiêu chuẩn của mình. Một bài thuyết trình của lãnh đạo Appleby trước nhân viên ở Bermuda năm 2012 thừa nhận rằng công ty có thể đã dấn thân vào việc làm ăn mạo hiểm khi xuất hiện tình trạng không tuân thủ, như chính sách chống rửa tiền.
Dở khóc dở cười
Liên quan đến hoạt động của “Căn phòng Glencore”, có một tiết lộ nhỏ nhưng lý thú, phần nào phản ánh việc một tập đoàn ở Thụy Sĩ “giả bộ” đang hoạt động ở Bermuda khó tránh khỏi những tình huống dở khóc dở cười. Năm 2010, Glencore ở Thụy Sĩ đã phải viết một lá thư than phiền tới Công ty McNeil Nominees ở Sydney – Úc, một chi nhánh của hãng đầu tư Shaw Stockbroking (nay đổi tên thành Shaw and Parters). Vấn đề bắt đầu từ chuyện lá thư gửi ngày 4-1-2010 của McNeil Nominees mời Glencore Finance, công ty con của Glencore ở Bermuda, mua thêm cổ phiếu của một DN vào giữa tháng 1. Glencore phàn nàn rằng lá thư gửi bằng đường bưu điện thông thường, đến tận ngày 19-1-2010 mới tới tay họ, đồng nghĩa cơ hội vuột mất. Giới chức McNeil Nominees hẳn chưa hình dung chuyện lá thư của họ gửi tới văn phòng không có nhân viên chính thức của Glencore ở Bermuda phải mất thời gian thế nào mới tới được tay giới chức trách ở trụ sở của công ty bên Thụy Sĩ.
Từ đó, Glencore đề xuất ngoài gửi thư tay, đối tác cần gửi thêm một bản fax. Lúc này, chiếc máy fax mới có mặt trong “Căn phòng Glencore” ở trụ sở của Appleby. Nhân viên Appleby sẽ giúp kiểm tra fax 1 lần/ngày, quét bản fax rồi gửi email tới Glencore ở Thụy Sĩ.