TIN MỚI
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (Ảnh: Nguyễn Nguyễn)
Liên quan đến thông tin khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake sẽ được chào bán cạnh tranh trong tháng 3 với mức giá khởi điểm 250 triệu USD, chúng tôi đã cuộc trao đổi với vị chủ nhân của khách sạn – ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (tức đại gia Đường “bia”).
Thưa ông, lý do gì khiến ông ra quyết định bán khách sạn ở thời điểm này?
Đơn giản vì công ty của tôi hết tiền, không có tiền trả lương cho nhân viên nên phải bán khách sạn.
Khách sạn Dolce Hanoi Golden Lake là tâm huyết, niềm tự hào không chỉ của riêng Hòa Bình mà có thể nói là của ngành du lịch Hà Nội, khi phải bán đi niềm tâm huyết của mình, cảm xúc của ông thế nào?
Bên trong, trần, phào của sảnh, cửa thang máy… của khách sạn đều được phủ vàng 24k. (Ảnh: Dolce Hanoi Golden Lake)
Phải bán đi một thứ là niềm tự hào của mình thì đấy là một điều đau thương, xót xa.
Nhưng tại sao phải bán? Vì 3 năm Covid-19, mỗi một năm công ty mất khoảng 1.000 tỷ doanh thu và 500 tỷ tiền lợi nhuận.
Đặc biệt, năm 2022 còn lỗ hơn bởi đây là năm Hoà Bình khi đưa vào hoạt động cả 3 hệ thống khách sạn của Hòa Bình (gồm 3 khách sạn Somerset Hoa Binh, Dolce Hanoi Golden Lake và Danang Golden Bay).
Đơn cử, khách sạn Somerset Hoa Binh năm 2019 lãi 31 tỷ, năm 2020 lãi 2,2 tỷ, năm 2021 lỗ 4,1 tỷ nhưng năm 2022 lỗ 19 tỷ. Năm 2022 lỗ nặng như vậy vì mở ra chỉ được 30% phòng được lấp đầy vì không có khách nước ngoài đến Việt Nam.
Do đó, Hòa Bình cũng đã chuẩn bị tái cơ cấu để chuyển sang việc kinh doanh đem lại hiệu quả lợi nhuận. Bởi một doanh nghiệp kinh doanh lỗ liên tiếp thì doanh nghiệp đó phá sản, vỡ nợ.
Vì thế, Hòa Bình đã xin chuyển 2 khu đất 393 Lĩnh Nam và 468 Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) để làm nhà ở xã hội. Ít nhất làm ở xã hội vẫn có lãi và có tiền trả lương cho công nhân.
Tuy nhiên, sau hơn một năm chờ đợi, dự án vẫn chưa được chính quyền cấp giấy phép xây dựng.
Chính vì thế nhân viên của công ty 3 tháng gần đây không có lương. Do đó, tôi mới phải đưa ra quyết định đau xót bán đi “niềm tự hào” của mình để giải quyết tiền lương cho nhân viên và các chi phí trả lãi cho ngân hàng.
Là một trong những khách sạn nổi tiếng trong và ngoài nước, trước thời điểm công bố bán đã có đối tác nào có ý định mua lại hay chưa, thưa ông?
Sau Tết âm lịch, Hòa Bình có ý định bán khách sạn. Hiện nay có khoảng 10 đối tác đặt vấn đề và về giá cũng có đối tác đưa ra 250 triệu USD.
Thực ra với mức giá 250 triệu USD Hòa Bình cũng có lãi rồi nhưng chúng tôi muốn các đối tác cạnh tranh nhau về giá.
120.000 m2 mặt ngoài của khách sạn được ốp gạch phủ vàng.
Là người tâm huyết xây từng viên gạch, vận hành khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake nhiều năm, ông có thể nói về tiềm năng phát triển của khách sạn này?
Dolce Hanoi Golden Lake được ví như “hoa hậu” trong làng khách sạn. Nếu quay lại năm 2019 với khoảng 18 triệu khách du lịch vào Việt Nam, khách sạn này bán phòng tối thiểu là 500 USD, lúc ý khách sạn Metropole cũng bán phòng tối thiểu 500 USD, có phòng 1.000 USD. Do đó, người ta bỏ mấy trăm triệu USD mua khách sạn vì tiềm năng của khách sạn rất lớn.
Không riêng gì Hòa Bình mà nhiều doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn cũng đang gồng mình chịu lỗ, là một trong những tập đoàn chịu ảnh hưởng nặng nề, ông có đề xuất cơ chế gì để các doanh nghiệp không lâm vào cảnh bán tài sản để giải quyết tình trạng khó khăn dòng tiền?
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, tôi đã gửi đề xuất cho Thủ tướng Chính phủ: Hỗ trợ lãi vay cho các chủ khách sạn. Lãi của các ngân hàng thương mại tối đa 10%, nhà nước hỗ trợ 4-5% để doanh nghiệp còn sống được.
Theo tôi, bất động sản không cứu thì bán rẻ đi là bán được. Còn với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách sạn, giờ không phải giải cứu mà là cứu họ. Họ lỗ do không có khách du lịch vào Việt Nam. Hiện nay, theo tôi biết rất nhiều khách sạn ở vùng biển Đà Nẵng, Nha Trang đã bán cho nước ngoài.
Linh Phong
Nhịp sống thị trường