Đại gia bất động sản Him Lam lấn sân mảng hàng không – Quản lý content

Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã mua hơn 2 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) và trở thành cổ đông lớn của công ty này từ ngày 1/6/2023.

Mới đây, Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã có báo cáo về việc trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (mã: SGN).

Theo báo cáo, Him Lam Land đã mua 2.557.245 cổ phiếu SGN, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 7,6% và trở thành cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn. Ngày thực hiện giao dịch trở thành cổ đông lớn là 1/6/2023.

Bên chuyển nhượng vẫn chưa được tiết lộ, nhưng theo danh sách cổ đông lớn của SGN, số lượng cổ phiếu SGN mà Him Lam Land mua vào đúng bằng số lượng mà Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Cảng (IMP Corp) đang sở hữu. Nhiều khả năng bên chuyển nhượng là IMP Corp. Nếu đúng như vậy, IMP Corp không còn nắm giữ cổ phiếu SGN nào, đồng nghĩa với việc chấm dứt khoản đầu tư dài gần 1 thập kỷ vào SGN.

Tham gia vào SGN từ cuối năm 2014, IMP Corp lúc này cùng với Công ty cổ phần Hàng không Vietjet và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hoàn Lộc Việt là 3 nhà đầu tư chiến lược (tỷ lệ mua lần lượt 12,8%, 4% và 2,25% vốn điều lệ SGN).

Tạm tính theo thị giá trên sàn của SGN vào ngày 1/6/2023 là 73.500 đồng/cổ phiếu, số tiền Him Lam Land cần chi là hơn 189 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng số cổ phần nói trên.

SGN là một trong những ông lớn trong ngành dịch vụ mặt đất ở sân bay tại Việt Nam. SGN là doanh nghiệp có năng lực về tài chính và kinh nghiệm phục vụ 50 hãng bay quốc tế và ba hãng bay quốc nội. Cổ đông lớn của SNG là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – chủ đầu tư sân bay Long Thành.

SGN chủ yếu hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh với các khách hàng lớn là VietJet, Asiana Airlines, Emirates Airlines, Qatar Airways, Turkish Airlines.

Dịch vụ hàng không chiếm 95% doanh thu của SGN, bao gồm các dịch vụ chính: phục vụ hành khách (làm thủ tục, quầy soát vé…), sân đỗ (làm vệ sinh, cung cấp nước sạch…), hành lý, cân bằng trọng tải, phục vụ khách thương gia…, kéo đẩy, quầy thủ tục, xe chở khách. Dịch vụ phi hàng không bao gồm sữa chửa, bảo dưỡng, đào tạo, cho thuê trang thiết bị.

Năm 2023 mặc dù dự báo tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn, SGN vẫn đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng với kế hoạch doanh thu 1.280 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 205 tỷ đồng. Kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) là công ty con của Công ty Cổ phần Him Lam (Him Lam) – một trong những Tập đoàn bất động sản nổi danh nhất cả nước. Trước đây, Him Lam gắn liền với tên tuổi của đại gia Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank và nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank.

Him Lam Land được thành lập từ năm 2008 hoạt động trong các lĩnh vực: đầu tư bất động sản, phát triển dự án bất động sản, kinh doanh và phân phối dự án bất động sản, quản lý vận hành bất động sản…

Đến thời điểm hiện tại, Him Lam Land đã phát triển và kinh doanh dự án các dự án: Him Lam Nam Khánh (2009), dự án Him Lam Riverside (2010), Him Lam Chợ Lớn (2014), Him Lam Phú An (2016), Him Lam Green Park (2019), Him Lam Vạn Phúc (2020).

Với việc nắm giữ hơn 2 triệu cổ phiếu của SGN, đại gia bất động sản Him Lam đã chính thức đặt chân vào lĩnh vực mới – lĩnh vực hàng không được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới, nhất là khi ngành du lịch được dự báo sẽ phục hồi mạnh và đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP trong năm nay.

Bài viết mới